Gần đây, chị Phượng Vỹ (28 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) ngổn ngang nhiều cảm xúc.
"Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời"
Chị Vỹ từng yêu và tin tưởng vào mối tình đầu kéo dài 5 năm. Trong thời gian yêu, chị nhiều lần bắt gặp bạn trai nhắn tin thân mật với nhiều người. Những lần đó, anh luôn tỏ ra hối lỗi, chủ động chặn những cô gái đã nhắn tin, thậm chí còn đưa mật khẩu mạng xã hội cho chị… Thấy anh chân thành, chị nghĩ vì mình, anh sẽ thay đổi nên dù có nhiều dấu hiệu cảnh báo, chị vẫn quyết định kết hôn.
Rồi chị mang thai con đầu lòng, chồng chị lại "ngựa quen đường cũ". Dù chị rất bận việc ở công ty nhưng anh không chia sẻ việc nhà, tiền bạc anh cũng chi li. "Con được 1 tuổi, tôi phát hiện anh đang hẹn hò với một cô gái. Tôi yêu cầu ly hôn, anh không chịu, xin tha thứ, hứa thay đổi. Được một thời gian, vẫn chứng nào tật nấy. Tôi không muốn sống trong cảnh bị chồng lừa dối nhưng con còn nhỏ, lẽ nào phải xa cha? Rồi ba mẹ tôi ăn nói sao với bà con xóm giềng?" - chị Vỹ lo lắng.
Chị Thảo Minh (30 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) lại khổ tâm vì chồng gia trưởng, hay ghen bóng ghen gió. Hồi mới yêu, anh đã tỏ ra độc đoán. Khi chị diện một chiếc váy ngang đầu gối, anh chê quá ngắn, mặc một chiếc áo trễ vai anh cũng lắc đầu. Tự an ủi do anh quá yêu và muốn bảo vệ mình, nên chị vui vẻ bỏ qua.
Nào ngờ cưới về, anh kiểm soát chị chặt chẽ hơn. Hằng ngày, anh kiểm tra tin nhắn trên mạng xã hội của chị. Chị đi làm về trễ một chút, anh gọi điện thoại để xem chị đang ở đâu, đi với ai. Cả cơ quan đi chơi, anh liên tục nhắn tin, gọi điện cho chị từ khi lên xe cho đến lúc về tới nhà, đến mức đồng nghiệp ngán ngẩm.
"Tôi nhiều lần nói anh đừng quá ghen tuông, kiểm soát, vì làm như vậy là thiếu tôn trọng, tin tưởng vợ. Anh xin lỗi nhưng vẫn chứng nào tật đó" - chị Minh than thở.
Chồng chị Thúy Nga (35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) lại mê chơi đến mức vô tâm. Cả hai đi làm, chị lại chăm sóc 2 con nhỏ nhưng anh không giúp vợ việc nhà. Ngày cuối tuần, anh dành thời gian cho bản thân, tụ tập bạn bè, xem đá bóng, uống cà phê… Vợ con ốm đau, anh hỏi đôi ba câu qua quýt. Chịu hết nổi, chị đòi ly dị.
"Thấy tôi làm căng, anh ở nhà vài hôm chơi với con, rồi lại như cũ" - chị Nga thở dài.
Cần sự cảm thông, thấu hiểu
Theo nhiều nghiên cứu tâm lý, việc thay đổi bản chất của một người, đặc biệt là người trưởng thành, là rất khó. Điều này đồng nghĩa với việc nếu một người đàn ông không mong muốn tự thay đổi, người bạn đời khó lòng tác động.
Thạc sĩ tâm lý hôn nhân và gia đình Nguyễn Phượng Uyên nhìn nhận thay đổi bản tính một người không dễ, đặc biệt khi họ đã quen với văn hóa, môi trường sống và cách giáo dục. Tuy nhiên, có thể tạo động lực để giúp một người thay đổi.
"Phụ nữ nghĩ rằng có thể thay đổi được người yêu theo ý mình. Điều đó là sai lầm. Lúc yêu, đàn ông có nhu cầu chinh phục nên thay đổi tạm thời. Khi đã cưới, họ trở về con người thực, thói quen cũ, rất ít người vì yêu mà thay đổi. Điều này khiến phụ nữ thất vọng, dễ rơi vào tình trạng chán nản" - bà Nguyễn Phượng Uyên nêu ý kiến.
Chuyên viên tâm lý Trần Trung Kiên nói thêm trước khi quyết định kết hôn, phụ nữ cần tỉnh táo, quan sát cách người đàn ông đối xử với những người xung quanh, để hiểu rõ hơn về bản chất thật sự của họ, giúp tránh những tình huống thất vọng và đau khổ trong hôn nhân.
Chuyên gia Nguyễn Hải An chia sẻ thay vì cố gắng ép buộc người chồng thay đổi bằng cách chỉ trích hay yêu cầu, hãy thay đổi thái độ của chính mình. Sống với năng lượng tích cực, tạo cảm hứng sẽ giúp người chồng cảm nhận và muốn thay đổi theo chiều hướng tích cực.
"Ép buộc người khác nghe theo, dù là vì lợi ích của họ đi nữa, cũng sẽ khiến câu nói của mình mất giá trị. Ví dụ thay vì nói: "Anh nên đi dọn dẹp nhà cửa đi" thì hãy nói: "Anh nghĩ rằng mình nên dọn dẹp nhà cửa không? Em bận mà nhà cửa ngổn ngang quá".
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Hải An, trong hôn nhân, nhiều phụ nữ mong muốn người bạn đời thay đổi theo ý muốn và sự thất vọng xuất hiện khi điều đó không xảy ra. Như vậy, chúng ta đang bị động mong cầu hạnh phúc từ sự thay đổi của người khác.
"Ngoài thay đổi bản thân, bạn rất khó để thay đổi được ai. Trong hôn nhân, không thể tránh khỏi những khác biệt về tính cách và thói quen. Phụ nữ cần học cách chấp nhận những khuyết điểm của chồng nếu điều đó không quá nghiêm trọng" - chuyên gia Nguyễn Hải An nhắn nhủ.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc yêu thương bạn đời vì chính con người họ, thay vì mong đợi sự thay đổi hoàn hảo, sẽ giúp giảm bớt căng thẳng. Sự thông cảm, thấu hiểu và nỗ lực cùng nhau sẽ giúp cải thiện mối quan hệ, dù không hoàn hảo nhưng vẫn đầy yêu thương và bền vững.
Tiến sĩ tâm lý học Ramani Durvasula, tác giả cuốn sách "Should I Stay or Should I Go?" (Tôi nên ở lại hay nên đi?), chia sẻ: "Chúng ta sẽ tự hủy hoại bản thân khi cố gắng đưa đối tác của mình vào một cái hộp hoàn hảo".
Bình luận (0)