Trong dòng người hối hả ngược xuôi về sum họp cùng gia đình, anh Đặng Vương Nguyên vẫn tất bật với công việc. Đây là năm đầu tiên anh phải đón Tết xa nhà.
Anh Nguyên hiện là nhân viên kiểm soát vé tại Ga Sài Gòn (quận 3, TP HCM). Những ngày giáp Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, ngành đường sắt phải tăng chuyến để phục vụ. Miệt mài với công việc giúp anh Nguyên vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà, người thân.
Năm nay, nhiều người chắt bóp chi tiêu, chọn ở lại TP HCM đón Tết chứ không về quê sum họp cùng gia đình, lượng hành khách vì thế cũng giảm đáng kể. Dù vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành đường sắt, các vị trí công việc vẫn phải đảm bảo tiến độ công việc, duy trì đúng lịch trực đã phân công.
"Thấy mọi người háo hức, vui cười khi được lên tàu về nhà đón Tết cùng gia đình mà mình cũng vui lây. Ra Tết công việc nhàn rỗi hơn, tôi sẽ sắp xếp thời gian về thăm nhà cho đỡ nhớ. Mặc dù công việc vất vả, nhưng những chuyến tàu đi, đến an toàn chính là niềm động viên to lớn đối với những nhân viên ngành đường sắt như tôi" – anh Nguyên bày tỏ.
Đều là công nhân vệ sinh của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 11, TP HCM, phải làm việc xuyên Tết nên năm nay, vợ chồng chị Trương Thị Tú Trinh - anh Phạm Văn Đức không thể về quê ở Lâm Đồng để sum họp cùng người thân mà phải ở lại TP làm việc. Được LĐLĐ TP HCM tặng voucher tham quan, trải nghiệm tại Công viên Văn hoá Đầm Sen (quận 1), anh chị tranh thủ thời giờ rỗi việc đưa các con đi chơi sớm bởi những ngày Tết, công việc của anh chị rất bận rộn.
Chị Trinh cho biết vì là công nhân vệ sinh nên ngày Tết cũng không khác ngày thường, anh chị vẫn đi làm từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau mới nghỉ. Sau đó, chồng chị còn nhận thêm công việc lấy rác tại một chung cư đến hơn 8 giờ, còn chị về lo cho con cái ăn uống rồi nghỉ ngơi.
Vì còn ở trọ, các con trong độ tuổi ăn học, chi phí rất lớn trong khi tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 15 triệu đồng nên không chỉ riêng chồng làm thêm mà bản thân chị Trinh thường ngày cũng kiếm thêm bằng cách bán hàng online mới đủ sống. Dù bận rộn như vậy nhưng trong tuần, anh chị vẫn quyết định dành một ngày nghỉ chung để chăm sóc cho các con, đưa đi chơi để vun đắp tình cảm gia đình.
"Tôi làm công nhân vệ sinh đã gần 3 năm, từ khi chuyển sang việc này, gia đình gần như không có thời gian về quê ăn Tết. Lúc đầu thì rất buồn nhưng dần thành quen. Nhiều người nghĩ công nhân vệ sinh là công việc khá thiệt thòi nhưng bản thân tôi thấy đây là công việc có ích, thời gian làm việc ban đêm, ban ngày tôi có thể làm thêm việc khác để cải thiện thu nhập, nên quyết định gắn bó cho đến nay" - chị Trinh tâm sự.
Tương tự, chị Trần Thị Ngọc Phượng, điều dưỡng Khoa Cấp cứu tại một bệnh viện trên địa bàn TP HCM, cũng phải làm đến hết mùng 1 mới được nghỉ Tết. Những ngày này, lượng bệnh nhân không nhiều, phần đông là những người mắc các bệnh mãn tính như: tim mạch, huyết áp, phổi… Với đội ngũ nhân viên y tế, vất vả nhất là những ca cấp cứu, đặc biệt là cấp cứu do tai nạn giao thông. Các bệnh nhân này cần được xử lý nhanh và kịp thời nên đòi hỏi lực lượng y - bác sĩ tại khoa của chị Phượng phải làm việc với cường độ cao, nhiều áp lực.
"Có hơn 10 năm làm công việc này, quá nửa thời gian tôi phải làm việc xuyên Tết. Trong khi nhà nhà, người người quây quần đón năm mới thì mình phải tất bật với công việc. Ban đầu không khỏi buồn tủi nhưng lâu dần thành quen. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã làm tròn trách nhiệm, được cống hiến, tận tâm, tận lực với công việc" - chị Phượng bày tỏ.
Bình luận (0)