Tỉnh Gia Lai đang tích cực triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cuộc vận động này không chỉ nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân mà còn thúc đẩy sự gắn kết giữa doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước.
Nhiều mặt hàng hấp dẫn
Tỉnh Gia Lai là địa phương có tiềm năng lớn từ tài nguyên và nguồn lực lao động sẵn có nên có nhiều cơ hội để phát triển các mặt hàng nội địa. Toàn tỉnh hiện có 8.160 DN và 364 hợp tác xã với tổng vốn đăng ký 124.470 tỉ đồng. Các DN này đã xây dựng được các sản phẩm nông sản nổi bật như: cà phê, hồ tiêu, điều, mắc ca, cao su… Trong đó, đặc biệt là cà phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Âu, tạo nên thương hiệu quốc gia.

Nhiều sản phẩm do các doanh nghiệp, hợp tác xã Gia Lai sản xuất được khách hàng ưa chuộng
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm OCOP như mật ong, bò một nắng, yến sào, mắc ca, dược liệu… đã trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và quốc tế.
Trong thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các địa phương tổ chức phiên chợ giới thiệu sản phẩm nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nông sản địa phương, giúp các DN, hộ sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với người tiêu dùng.
Đầu tháng 12 này, Sở Công Thương Gia Lai phối hợp với UBND các địa phương tổ chức phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Hàng chục gian hàng giới thiệu hàng đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP 3-4 sao, đã thu hút đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm.
Chị Phạm Thị Vi (trú huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) khi tham dự phiên chợ này ở huyện Chư Sê đã mua cho mình hàng chục sản phẩm OCOP là hạt điều sấy khô và mật ong. "Tôi đã tìm hiểu rất kỹ và thấy rằng các sản phẩm đều được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sạch, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giá cả phải chăng nên đã mua về sử dụng. Khi dùng hết, tôi sẽ tiếp tục mua thêm" - chị Vi nói.
Giữ chân khách hàng
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm do các DN tỉnh Gia Lai sản xuất đang tạo được ấn tượng tích cực trong lòng khách hàng nhờ chất lượng, tính độc đáo. Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết trong những năm qua, tỉnh này đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đến các DN, người tiêu dùng. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, thông tin về các điểm bán hàng Việt Nam đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh đến với các DN, đơn vị và người tiêu dùng.
Sở Công Thương cũng đã vận động các DN thực hiện các hoạt động kích cầu tiêu dùng mang tên "Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam" thông qua các chương trình ưu đãi, khuyến mại nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong tỉnh. Từ đó nâng cao nhận thức và hành vi của người dân về chất lượng của hàng Việt Nam, khiến họ dần thay đổi thói quen tiêu dùng và chỉ lựa chọn sản phẩm Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam bằng việc phối hợp tổ chức chương trình, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam trên phạm vi cả nước, nhằm kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, thiết lập kênh phân phối.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp tham gia hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và các tỉnh, thành trên cả nước, hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại, các phiên chợ, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đưa hàng Việt Nam về miền núi.
Đặc biệt, Sở Công Thương đã nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam và hàng Việt Nam bằng việc khuyến khích DN tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đơn vị trên đại bàn tỉnh, lồng ghép triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án của ngành Công Thương nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi DN và người tiêu dùng.
Theo ông Phạm Văn Binh, để mở rộng thị trường các DN cần tập trung vào công tác xây dựng thương hiệu, cải thiện mẫu mã, hệ thống phân phối và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Đẩy mạnh quảng bá
Trong chuyến làm việc tại Gia Lai, ông Bùi Hoàng Phương - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đã đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện nghiêm túc cuộc vận động trong tình hình mới; kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện; có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và các DN, cơ sở sản xuất trong nước có các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích trên các nền tảng số, phương tiện truyền thông.

Bình luận (0)