Làng bánh khô mè ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) những ngày giáp Tết rộn ràng, liên tục đỏ lửa cho ra lò những mẻ bánh giòn thơm, ngọt dịu. Theo câu chuyện của chủ nhân thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ thì loại bánh này vốn xuất phát từ một người phụ nữ trong gia đình nhà họ Huỳnh ở làng Thị An, xã Hòa Lân, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà xưa, nay là làng Thị An thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
Độc đáo nguồn gốc bánh khô mè
Món ăn này được người phụ nữ nghĩ ra để đưa chồng, con lên kinh ứng thí. Đến năm 1967, bà Phan Thị Nhẫn, con dâu của họ Huỳnh đã cùng chồng và con từ làng Thị An về làng Cẩm Lệ sinh sống và mang theo nghề làm bánh khô mè. Từ đó, làng bánh khô mè Cẩm Lệ bắt đầu khai sinh với nhiều thương hiệu bánh nổi tiếng.
Làng làm bánh khô mè tất bật ngày giáp Tết
Năm 1988, ông Huỳnh Đức Khiển kế thừa nghề gia truyền từ mẹ là bà Nhẫn và thành lập cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ. Đến hiện tại, con trai ông Khiển là anh Huỳnh Đức Sol (SN 1990) đã kế thừa nghề làm bánh của gia đình.
Ông Khiển cho biết món bánh khô mè khi ăn có tiếng xốp xốp giòn tan trong miệng, có hương vị bùi bùi của mè, chất ngọt thanh dịu của đường mía. Nghe chừng đơn giản nhưng để làm được món bánh này là cả một sự kỳ công. Vì thế, bánh khô mè có tên gọi khác là "bánh bảy lửa".
Bảy lửa hàm ý để làm ra loại bánh này phải trải qua 7 công đoạn trên bếp lửa. Gạo được vô sạch, trắng như bông, để thật ráo rồi cho vào cối giã thành bột mịn. Bột gạo đã mịn được tẩm nước vừa ướt rồi cho vào nồi hấp chín. Trong khi chờ bột chín, người làm bánh chẻ tre, đan vỉ lót, đan khung đúc bánh với những ô vuông vức bé bằng hai ngón tay.
Làm khung xong cũng là lúc bột vừa chín, đổ vào khung gạt bằng. Tháo khung, những miếng bột vuông nhỏ được đặt trên bếp than hoa lần thứ nhất. Hơi lửa than chỉ vừa nóng để nướng chầm chậm cho lát bánh khô hai mặt. Chiếc bánh trần đã ráo lại được được đặt trên bếp than hoa lần thứ hai nướng giòn.
Công đoạn thứ hai là nấu đường cho đến khi dùng đũa kéo thành sợi tơ không dứt. Mè được đập vỏ, rang vàng giòn. Lúc này, nồi đường được tiếp tục đặt trên bếp lửa ấm, từng lát bánh nhúng vào đường rồi nhanh tay lăn qua mâm mè để bên cạnh. Thế là chiếc bánh khô mè đã thành phẩm, có thể thưởng thức ngay.
Bí quyết làm bánh ngon
Anh Sol cho biết quy trình làm bánh nay có khác hơn nhưng vẫn giữ các nguyên liệu cùng công đoạn như xưa. Một số vật dụng làm bánh được thay đổi như từ khung tre sang khung inox.
Với nguyên liệu làm bánh, anh Sol vẫn giữ như cách làm bánh truyền thống là từ gạo, mè và đường. Gạo thì phải từ gạo xiệc mới làm ra lát bánh được xốp, giòn tan. Mè được đặt từ các hộ làm nông ở các vùng đất cát thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đường nấu bánh sử dụng đường bát.
"Chính giữ những nguyên liệu "nhà quê" này mà bánh khô mè Bà Liễu Mẹ qua bao đời nay vẫn giữ nguyên hương vị thơm ngon, bình dị" - anh Sol cho biết. Ngày nay, để phục vụ hơn nữa nhu cầu của thực khách, anh Sol đã nghĩ ra cách làm bánh khô mè từ gạo lứt, mè đen... nhưng vị bánh khô mè truyền thống từ gạo xiệc, mè trắng vẫn được ưa chuộng nhất.
Ngày Tết, làng bánh khô mè liên tục đỏ lửa để cho ra những mẻ bánh giòn thơm, phục vụ người dân địa phương và thực khách xa gần. Theo ông Khiển, bánh khô mè cùng với nhiều loại bánh khác gần như không thể thiếu trong mâm cúng ngày Tết của người dân xứ Quảng Đà.
Năm 2016, bánh khô mè Cẩm Lệ được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trao tặng. Ngoài ra, bánh này còn 2 lần lọt vào top 10 đặc sản bánh quà tặng nổi tiếng của Việt Nam do tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận.
Mong được xây dựng khu trải nghiệm làng nghề
Ông Huỳnh Đức Khiển cho biết cách đây nhiều năm, ông và con trai có lên ý tưởng cụ thể về việc xây dựng khu trải nghiệm làng nghề truyền thống bánh khô mè Cẩm Lệ nằm ở khu đất ven sông Cẩm Lệ. Ý tưởng này đã được gia đình ông Khiển báo cáo với địa phương. Mong muốn của gia đình là quảng bá món ăn đặc sản của quê hương và gìn giữ nghề truyền thống cho các thế hệ mai sau. Thế nhưng, đến hiện tại ý tưởng này vẫn chưa thành hiện thực. "Nếu làm được khu trải nghiệm này, du khách đến đây tham quan, tự tay trải nghiệm các công đoạn làm bánh thủ công, vừa phát triển làng nghề vừa phục vụ du lịch" - ông Khiển nói.
Bình luận (0)