Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Nội cho thấy toàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND TP Hà Nội công nhận. Hà Nội có 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện đạt trên 24.000 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD)/năm.
Nhiều sản phẩm "đi Tây"
Sản phẩm của làng nghề ở Hà Nội đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Với truyền thống gần 1.000 năm, sản phẩm khảm trai của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chương Mỹ, huyện Phú Xuyên đã vượt khỏi ranh giới quốc gia, vươn tầm ra thế giới, đến các thị trường khó tính như Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ... Hiện nay, làng nghề này có hơn 20 nghệ nhân và khoảng 1.000 hộ dân tham gia. Nghề khảm trai đem lại thu nhập từ 6 triệu đến 15 triệu đồng mỗi tháng cho người lao động, giúp nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá.
Nghệ nhân Nguyễn Vinh Quang cho biết ông gắn bó với làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ mấy chục năm nay, trải qua mọi thăng trầm. Nghề khảm trai có thể đem về cho nghệ nhân thu nhập từ vài triệu tới vài tỉ đồng/sản phẩm.
Nằm bên bờ sông Đáy, làng Chuông ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai nổi danh với nghề làm nón lá lâu đời. Làm nón từ khi mới lên 8 tuổi, nghệ nhân Tạ Thu Hương, Chủ tịch HĐQT HTX Mây tre Nón lá Tạ Thu Hương, là một trong những người tiên phong đổi mới phát triển làng nghề truyền thống này.
Theo chị Hương, HTX đang sản xuất 200 mẫu mã sản phẩm khác nhau phục vụ thị trường, từ nón truyền thống đến nón xuất khẩu, du lịch, trang trí. HTX có những đơn hàng xuất khẩu lên tới 20.000 chiếc, đến nhiều thị trường như Đức, Anh, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm OCOP 4 sao được nhà nước công nhận, gồm: nón lá lụa, nón lá trắng, nón giấy bóng, nón quai thao, nón Thái và nón lá già.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho hay hoạt động của làng nghề có lúc thăng lúc trầm do tác động của nền kinh tế chung. Tuy nhiên, trong muôn vàn khó khăn, các làng nghề như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, nón làng Chuông... vẫn phát triển và trường tồn theo thời gian.
Hỗ trợ để không mai một
Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh mọi mặt đời sống liên tục thay đổi như hiện nay, các làng nghề cần chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, việc phát triển sản phẩm cần gắn với du lịch để đa dạng nguồn thu, tạo sinh kế bền vững cho người dân làng nghề.
Nghệ nhân Nguyễn Vinh Quang luôn lo lắng về nguy cơ mai một của nghề khảm trai. Theo ông, con em trong làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ đều ra ngoài học và ít quay trở lại làm nghề. Trong khi đó, việc đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn. "Một nghệ nhân giỏi phải học nghề từ những năm còn nhỏ. Vì vậy, để tìm những người nối nghề là rất khó khăn" - ông trăn trở.
Cùng với đó, chính sách phát triển du lịch gắn với làng nghề cũng gặp khó khăn do nhiều làng nghề ở địa bàn xa xôi, giao thông chưa thuận lợi.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, việc gìn giữ và phát huy các giá trị làng nghề là vấn đề đã được thành phố đặt ra. Thực tế, nhiều sản phẩm làng nghề có chất lượng rất tốt, được chứng nhận OCOP nhưng việc duy trì và phát triển thương hiệu lại chưa được quan tâm. Thậm chí, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ lô đầu rất đẹp nhưng lô sau lại làm cẩu thả; lô sau "đá" lô trước làm mất khách hàng…
Nhận thức tầm quan trọng của làng nghề, ông Trần Sỹ Thanh cho biết trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội đặc biệt quan tâm vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề. Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua đã đề cập nhiều điều khoản để thúc đẩy phát triển lĩnh vực giàu tiềm năng này.
UBND TP Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; là điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế khi đến thủ đô.
Do vậy, TP Hà Nội đang nghiên cứu để chỉ đạo thực hiện các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, nông thôn và gìn giữ, phát huy giá trị các làng nghề. UBND TP Hà Nội mong muốn nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất - kinh doanh ở các làng nghề trên địa bàn nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển, hướng đến xây dựng thủ đô "Văn hiến - văn minh - hiện đại".
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh nếu như thiết bị công nghệ được xem là biểu hiện cho sự năng động, khoa học kỹ thuật của quốc gia, thì tác phẩm thủ công làng nghề chính là nét tinh hoa khi tài nguyên bản địa được kết tinh thành giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của mỗi nước.
Nhiều làng nghề là những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình thủ công truyền thống đã đóng góp to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân gắn bó với làng nghề; phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch, đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
"Bước đi hai chân"
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng sau dịch COVID-19, khách du lịch thường muốn đến những nơi thuần khiết để tĩnh tâm, tìm hiểu văn hóa cội nguồn. Điều này đòi hỏi việc phát triển du lịch làng nghề phải tạo ra không gian xã hội, môi trường, sự thuần khiết nông thôn để thu hút du khách. Khi có khách du lịch thì sẽ phát triển được thị trường, vì họ thấy được điểm đặc biệt của sản phẩm, cũng như truyền miệng giới thiệu cho nhau.
"Phát triển làng nghề gắn với sản phẩm du lịch truyền thống là bước đi hai chân của làng nghề" - ông Thủy so sánh.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!