Với tốc độ đô thị hóa nhanh ở TP HCM, nhiều hộ nông thôn đã chuyển sang những nghề có thu nhập ổn định hơn, các tiêu chí về công nhận nghề truyền thống, làng nghề không được bảo đảm theo Nghị định 52/2018. Thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề gặp nhiều khó khăn và các làng nghề cũng đang đối mặt vấn đề vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất.
Nâng tầm sản phẩm
Để "giải cứu" làng nghề, ngành nghề nông thôn, TP HCM đã ban hành nhiều giải pháp trong giai đoạn 2022-2025. Theo đó, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và mặt bằng sản xuất; hỗ trợ vốn và tín dụng; tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua xúc tiến thương mại... Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều giải pháp để giúp TP HCM phát huy tiềm năng các làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Trước hết, có thể thành lập một quỹ đầu tư phát triển dành riêng cho làng nghề và ngành nghề nông thôn để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường. Quỹ này có thể huy động vốn từ các nguồn tài trợ, đầu tư công và các doanh nghiệp tư nhân.
Cần thúc đẩy việc phát triển các chuỗi giá trị, liên kết giữa làng nghề với các khu vực nông thôn và đô thị khác để tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Tận dụng các nền tảng thương mại điện tử và công nghệ số để mở rộng kênh phân phối, quảng bá sản phẩm làng nghề, như tạo ra các trang web thương mại điện tử chuyên biệt cho làng nghề và ngành nghề nông thôn.
Cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho lao động tại làng nghề, kết hợp với việc đào tạo quản lý, marketing chuyên nghiệp và kinh doanh. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp các làng nghề cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ làng nghề đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, bao gồm thiết kế logo, bao bì... Việc này không chỉ giúp bảo vệ sản phẩm khỏi hàng giả, hàng nhái mà còn nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế. Có thể xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho làng nghề; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và hộ sản xuất đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cần có những chương trình B2B (Business to business) cho sản phẩm làng nghề và ngành nghề nông thôn. Chương trình này có thể được thiết kế nhằm kết nối doanh nghiệp sản xuất ở làng nghề với nhà phân phối, bán lẻ, doanh nghiệp xuất khẩu. Từ đó, sản phẩm tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn.
Chú trọng nguồn vốn đầu tư
Để xác định kinh phí tối ưu cho việc phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn, khi TP HCM thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, cần có một nguồn kinh phí cho chương trình và kế hoạch này. Song, cần cân nhắc đến tính khả thi, hiệu quả và ảnh hưởng lâu dài của từng khoản đầu tư.
TP HCM nên hình thành quỹ hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, như: quỹ đầu tư công, quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Có thể trích một phần ngân sách địa phương hoặc ngân sách trung ương để hình thành quỹ hỗ trợ phát triển làng nghề. Quỹ này được sử dụng hỗ trợ cơ sở hạ tầng, cung cấp tín dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư công nghệ mới. Bên cạnh đó, có thể thành lập quỹ hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong làng nghề nhằm tài trợ hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi để họ đầu tư vào công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển thương hiệu.
Cần tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, như: hợp tác công - tư (PPP); kêu gọi đầu tư từ quỹ phát triển bền vững... Có thể khuyến khích các dự án PPP để phát triển cơ sở hạ tầng cho làng nghề. Doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia đầu tư các dự án như xây dựng trung tâm sản xuất, khu vực trưng bày và bán hàng hoặc hệ thống giao thông kết nối làng nghề với thị trường tiêu thụ. Huy động vốn từ các quỹ đầu tư bền vững hoặc quỹ xã hội để tài trợ những dự án liên quan việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tăng cường sinh kế cho người dân tại các làng nghề cũng là điều cần thiết.
TP HCM nên phát hành trái phiếu đô thị; thiết lập các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho làng nghề, ngành nghề nông thôn. Số vốn huy động được sẽ đầu tư vào các dự án hạ tầng, hỗ trợ vốn lưu động và phát triển công nghệ cho làng nghề. Trái phiếu này có thể được thiết kế với lãi suất ưu đãi và kỳ hạn dài hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án lớn cần vốn đầu tư cao.
Ngoài ra, TP HCM có thể hợp tác cùng các ngân hàng để triển khai chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi dành riêng cho dự án phát triển bền vững trong làng nghề. Nên cân nhắc áp dụng chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất trong làng nghề ở giai đoạn đầu phát triển hoặc khi đầu tư vào công nghệ mới. Đồng thời, có thể giảm hoặc miễn phí dịch vụ đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký kinh doanh, phí tham gia chương trình xúc tiến thương mại cho làng nghề.
Đào tạo nguồn nhân lực
Để "giải cứu" làng nghề, ngành nghề nông thôn, cần triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu, cập nhật xu hướng mới, khuyến khích tinh thần sáng tạo trong công việc. Ngoài ra, tăng cường giao tiếp và kết nối giữa cán bộ, nhân viên nông nghiệp với cộng đồng làng nghề; xây dựng văn hóa trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, nhân viên.
Việc mời gọi chuyên gia và kết nối với các tổ chức nghiên cứu cũng sẽ giúp cán bộ, nhân viên nông nghiệp nâng cao năng lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của làng nghề.
Bình luận (0)