TP HCM, với tốc độ phát triển đô thị chóng mặt, đang phải đối mặt những thách thức về giao thông và môi trường ngày càng cấp bách.
Giáo dục và truyền thông
Ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, chất lượng cuộc sống mà còn cản trở sự phát triển bền vững của thành phố. Trong bối cảnh đó, phát triển giao thông xanh không chỉ là mục tiêu mà còn là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, không chỉ dựa vào các giải pháp công nghệ hay hạ tầng mà cần phải thay đổi nhận thức và hành vi của người dân bằng giáo dục và truyền thông.
Giáo dục về giao thông xanh cần được bắt đầu từ sớm, ngay từ bậc học mầm non và tiểu học, khi trẻ đang hình thành những nhận thức đầu tiên về thế giới xung quanh. Kinh nghiệm từ Singapore từ lâu đã tích hợp giáo dục về giao thông bền vững vào chương trình học từ tiểu học, giúp trẻ nhận thức về tầm quan trọng của giao thông xanh từ sớm. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, trò chơi, câu chuyện, các em sẽ được làm quen với những khái niệm về bảo vệ môi trường, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ... Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ có thêm kiến thức mà còn nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, ý thức trách nhiệm với môi trường từ khi còn nhỏ.
Ở bậc học cao hơn, giáo dục giao thông xanh cần được lồng ghép vào các môn học một cách tự nhiên và hấp dẫn. Ví dụ, trong môn địa lý, học sinh có thể tìm hiểu về tác động của giao thông đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Trong môn giáo dục công dân, học sinh có thể thảo luận về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng một hệ thống giao thông xanh, bền vững. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa như tham quan những dự án giao thông xanh, tham gia các cuộc thi sáng tạo về giao thông xanh cũng sẽ giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế, từ đó nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi.
Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giao thông xanh. Các chiến dịch truyền thông cần được xây dựng một cách sáng tạo, hấp dẫn để tiếp cận được nhiều đối tượng khác nhau.
Thông điệp truyền thông cần rõ ràng, dễ hiểu, tập trung vào lợi ích của giao thông xanh đối với từng cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội. Ví dụ, thay vì chỉ nói về việc giảm ô nhiễm không khí, truyền thông có thể nhấn mạnh giao thông xanh giúp cải thiện sức khỏe, tiết kiệm chi phí, giảm ùn tắc giao thông, tạo nên một thành phố đáng sống hơn. TP Seoul - Hàn Quốc có chương trình "Seoul Challenge" - tổ chức các cuộc thi và hoạt động khuyến khích người dân giảm sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.
Thay đổi nhận thức
Để giáo dục và truyền thông thật sự phát huy hiệu quả trong việc phát triển giao thông xanh tại TP HCM, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà trường, tổ chức xã hội và người dân.
Với các nội dung cụ thể như: Xây dựng chương trình giáo dục giao thông xanh toàn diện từ bậc mầm non đến đại học, cần có một chương trình giáo dục giao thông xanh bài bản, được lồng ghép vào các môn học, hoạt động ngoại khóa một cách khoa học và hấp dẫn.
Sử dụng đa dạng các kênh thông tin, hình thức truyền thông để lan tỏa thông điệp xanh đến mọi người dân. Khuyến khích sự sáng tạo, sử dụng các công nghệ mới như truyền thông đa phương tiện, trò chơi tương tác để thu hút sự chú ý của công chúng.
Tạo ra các diễn đàn, cuộc thi, hoạt động cộng đồng để người dân cùng chia sẻ, học hỏi và đóng góp cho giao thông xanh. Phát triển các ứng dụng di động, trang web cung cấp thông tin về giao thông công cộng, tuyến đường xanh, khuyến khích người dân sử dụng.
Cần tạo ra các hoạt động cộng đồng thường xuyên như: "Ngày thứ bảy giao thông xanh", khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông xanh như xe buýt, xe đạp. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí kết hợp với tuyên truyền về giao thông xanh trong ngày này.
Công nhận và khen thưởng: Thiết lập các giải thưởng/chứng nhận như: "Công dân xanh", "Trường học xanh", "Khu phố xanh", "Tuyến đường xanh"... để ghi nhận và tôn vinh những cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực cho giao thông xanh.
Thay đổi thói quen, kiến tạo tương lai xanh không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự chung tay của toàn xã hội.
Bình luận (0)