Mong muốn của báo là kịp thời tiếp sức để đồng bào gượng dậy sau thiên tai.
Trong hơn 20 năm làm báo, tôi thường xuyên có mặt ở những nơi bão lũ hoành hành, tác nghiệp tại nhiều vùng bị thiệt hại nặng nề. Song, chưa lúc nào tôi lại bị ám ảnh như những ngày đêm tác nghiệp ở Làng Nủ, khi cơn bão số 3 (bão Yagi) quái ác năm 2024 gây hậu quả vô cùng tàn khốc với người dân nơi đây.
***
Miền Bắc những ngày đầu tháng 9-2024, do ảnh hưởng bão Yagi, mưa lũ rất lớn xảy ra khắp nơi. Rạng sáng 10-9, một trận lũ quét kinh hoàng đã tràn qua thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (nay là xã Phúc Khánh), tỉnh Lào Cai. Nhà cửa của 37 hộ dân ở Làng Nủ bị vùi lấp, 60 người chết, 7 người mất tích, tang thương chồng chất.
Sau khi nắm tình hình, tôi trao đổi với lãnh đạo Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động khu vực miền Bắc, đề xuất đến ngay Làng Nủ để kịp thời phản ánh, đưa tin phục vụ bạn đọc. Được Ban Biên tập và lãnh đạo văn phòng cho phép, ngay sáng sớm 11-9-2024, tôi và Thanh Tuấn - phóng viên thường trú tại tỉnh Thanh Hóa được điều động ra Hà Nội tăng cường - lập tức lên đường.
Từ Hà Nội lên Làng Nủ chỉ gần 300 km nhưng với những người đang nôn nóng như chúng tôi, chặng đường ấy sao mà xa vời vợi! Dọc đường, núi đồi nhiều nơi sạt lở, giao thông ách tắc khiến hành trình đến với Làng Nủ càng thêm khó khăn.
Khi chúng tôi đang di chuyển trên Quốc lộ 279 - chỉ còn cách Làng Nủ hơn 20 km - thì một mé đồi với hàng ngàn khối đất đá sạt trượt xuống chắn ngang đường. Đây là tuyến độc đạo mà xe có thể ra vào Làng Nủ. Chúng tôi đành quay lại đi đường khác, xa hơn cả 100 km.
Trưa cùng ngày, chúng tôi đến trung tâm huyện Bảo Yên, nơi cũng đang ngập trong bùn đất. Tìm quán ăn không thấy, chúng tôi đành nhai vội bánh lương khô mang theo rồi chia ra hai hướng tác nghiệp. Thanh Tuấn vào Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên - nơi những người may mắn sống sót đang được điều trị, còn tôi đón xe ôm vào Làng Nủ - nơi tang thương đang chồng chất do bão Yagi.
Thảm họa ập đến Làng Nủ khi những đứa trẻ còn đang say ngủ và phần đông người lớn cũng chưa tới giờ lên nương rẫy. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi khi đi bộ tới đầu thôn là hàng trăm người - gồm quân đội, công an, chính quyền địa phương... - đang khẩn trương dò dẫm giữa hàng triệu khối bùn đất. Họ lục lọi từng bụi cây, khe suối để tìm kiếm những người mất tích.
Làng Nủ nhỏ bé, hiền hòa dưới chân núi Con Voi lúc ấy vừa phải hứng chịu một trận lũ quét tàn khốc. Tôi lặng người khi gặp bà Hoàng Thị Sời, tay bê bát nhang vừa đi sau những người khiêng quan tài vừa gào khóc, nước mắt trộn lẫn nước mưa nhạt nhòa mặt mũi. Bốn người thân của bà, gồm con dâu và 3 cháu nội, đã mất trong trận lũ quét tang tóc.
Tôi tiếp tục đi sâu vào Làng Nủ, phóng tầm mắt về khu vực mà chỉ mới cách đây vài hôm là nơi sinh sống của gần 40 gia đình. Vậy mà trong chớp mắt, bùn đất đã tràn xuống san phẳng cả thôn, không còn vết tích nhà cửa.
***
Làng Nủ và khu vực xung quanh không còn hàng quán nên đến bữa ăn, chúng tôi được cung cấp những suất cơm hộp do chính quyền địa phương mang đến nhà văn hóa thôn. Thời tiết sau cơn bão dữ vẫn thất thường, trời đang nắng nóng oi bức thì mưa lớn đột ngột ập xuống. Vậy nên có bữa ăn, sau khi nhận suất cơm chưa kịp dùng, lát sau chúng tôi mở ra thì đã ôi thiu.
Những ngày ở Làng Nủ, tôi tá túc tại nhà anh Hoàng Văn Quyển, phó trưởng ban chỉ huy quân sự xã. Nhà anh chỉ cách nơi lũ quét hôm trước vài trăm mét. Ngày 13-9-2024, khi chúng tôi đang ngủ vùi thì anh Quyển gọi giật giọng đánh thức. Lúc ấy gần 2 giờ sáng, trời đang mưa rất to. "Sang nhà bố mình thôi, ở đây nguy hiểm lắm" - anh vội vã giải thích, rồi giục vợ con và chúng tôi mau chóng "di tản".

Hai phóng viên Báo Người Lao Động tác nghiệp tại Làng Nủ chỉ 1 ngày sau trận lũ quét kinh hoàng
Mưa đêm đó ở Làng Nủ không giống những trận mưa thông thường. Với người không chứng kiến, không trải qua trận lũ quét kinh hãi ở Làng Nủ thì sẽ không thể nào cảm nhận được nỗi ám ảnh, lo sợ như anh Quyển. Bởi lẽ, họ hiểu hơn ai hết rằng nếu không nhanh chóng đến nơi an toàn thì một tai họa nữa có thể ập tới bất cứ lúc nào. Khi chúng tôi đã đến nhà bố Quyển, anh mới thở phào phân trần: "Sườn núi sau nhà mình có một vết nứt nhỏ, vì vậy mình không yên tâm...".
3 giờ sáng hôm ấy, trời vẫn mưa xối xả. Chúng tôi cũng thắc thỏm lo âu không kém những người dân Làng Nủ, bởi cảnh tượng trận lũ quét hôm trước để lại quá nặng nề. Chúng tôi theo chị Hoàng Thị Cảnh, em gái anh Quyển, ra hiên nhà nhìn về núi Con Vui và chỉ thấy một màu đen mịt mùng. Chồng Cảnh là một trong những người còn mất tích sau trận lũ quét hôm trước...
Không thể ngủ được nữa, chúng tôi ngồi mường tượng khung cảnh chỉ cách đây vài ngày, những đứa trẻ Làng Nủ còn tung tăng theo bố mẹ đến trường đón khai giảng năm học mới; những người vợ, người mẹ sáng sáng còn tất bật lo bữa cơm cho chồng, con; những người già còn bàn việc chuẩn bị cho con cháu vui chơi Tết Trung thu... Vậy mà thoáng chốc, bùn đất đã san phẳng 37 căn nhà, làm trên 60 người chết và mất tích.
***
Trước những mất mát nặng nề do bão Yagi gây ra, không chỉ phải thông tin nhanh nhất về diễn biến thiệt hại, công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, Báo Người Lao Động còn lập tức phát động chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương", với mong muốn kịp thời tiếp sức để đồng bào gượng dậy sau thiên tai.
Được đông đảo bạn đọc chung tay góp sức, Báo Người Lao Động đã nhanh chóng thực hiện những đợt hỗ trợ đầu tiên. Những phóng viên của báo lúc ấy đang thực hiện nhiệm vụ đưa tin tại hiện trường đã trực tiếp ghi nhận những hoàn cảnh khó khăn, thông qua chính quyền địa phương để trao kinh phí hỗ trợ. Sau bão Yagi, ngoài Làng Nủ, miền Bắc còn có nhiều "điểm nóng" sạt lở gây thiệt hại, tang tóc.
Riêng tại Làng Nủ, ngay trong ngày 13-9-2024, chúng tôi đã trao hỗ trợ 30 triệu đồng cho đại diện 3 gia đình có người chết do trận lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, 2 gia đình chỉ còn 1 người sống sót.
Đến trụ sở Nhà Văn hóa thôn Làng Nủ nhận hỗ trợ, anh Hoàng Văn Thới thẫn thờ như điên dại. Trận lũ quét đã cướp đi những người thương yêu nhất của anh, gồm mẹ già, vợ và 3 con nhỏ. Nhận 10 triệu đồng từ chương trình, anh nghẹn ngào: "Cảm ơn Báo Người Lao Động đã giúp mình trong lúc đau thương, khốn khó này".

Hai người dân Làng Nủ (giữa) nhận tiền hỗ trợ từ chương trình “Hướng về miền Bắc yêu thương”. Ảnh: NGUYỄN THẾ
Chúng tôi cũng không thể quên ánh mắt thất thần của anh Hoàng Văn Thạo khi nhận tiền hỗ trợ từ chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương". Nhà Thạo có dấu hiệu sạt lở từ trước nên tối 9-9-2024, anh cẩn thận đưa vợ và con gái 2 tuổi sang em ruột ở nhờ cho an toàn, còn mình thì quay về trông chừng nhà cửa. Vậy mà sáng sớm hôm sau, tất cả gia đình tại nơi vợ con anh tá túc đều bị bùn đất vùi lấp. Mãi mấy ngày sau, thi thể vợ con anh mới được tìm thấy.
Hầu hết người dân Làng Nủ lúc ấy đều rối bời vì lo chôn cất người thân rồi còn phải tìm kiếm những người mất tích. Vì vậy, chiều 14-9-2024, đại diện chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương", chúng tôi làm thủ tục chuyển vào tài khoản Ủy ban MTTQ xã Phúc Khánh 160 triệu đồng để chính quyền địa phương trao trực tiếp 16 hộ dân có người chết ở Làng Nủ, mỗi hộ 10 triệu đồng.
Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh khi đó, rất xúc động khi biết ngoài 160 triệu đồng nêu trên, trong ngày 12 và 13-9-2024, chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" đã trực tiếp trao 70 triệu đồng hỗ trợ 7 gia đình có người chết, mất tích ở Làng Nủ...
Sau đó không lâu, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng 22-12-2024, khu tái định cư Làng Nủ với 40 căn nhà khang trang đã được khánh thành và bàn giao cho người dân. Khu tái định cư được xây dựng trên khu đất trước đây là đồi hoa sim rộng lớn, với trường học, nhà văn hóa, nhà sàn, đường bê-tông, điện chiếu sáng...
Làng Nủ giờ đã bình yên và sự sống đang từng bước hồi sinh.

Khu tái định cư Làng Nủ nhanh chóng được xây dựng khang trang sau biến cố tang thương. Ảnh : VĂN HIỀN
Hơn 14 tỉ đồng "Hướng về miền Bắc yêu thương"
Chỉ sau một thời gian ngắn được phát động, chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" đã được bạn đọc và các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 14 tỉ đồng.
Ngoài việc kịp thời chuyển tiền hỗ trợ đến các trường hợp khẩn cấp, Báo Người Lao Động còn tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ TP HCM và chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương phía Bắc thực hiện những công trình tái thiết sau bão lũ thiết thực, hiệu quả.
Bình luận (0)