Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long (Đài PT&TH Vĩnh Long), cho biết đơn vị có 2 nguồn thu chính. Đó là từ hoạt động quảng cáo, chiếm khoảng 85% - 90% tổng nguồn thu của Đài, và từ hoạt động tuyên truyền (chủ yếu hỗ trợ làm phim tư liệu cho các sở, ngành trong tỉnh và các video clip giới thiệu doanh nghiệp).
Đối với quảng cáo trên phát thanh, ông Tuấn cho biết được Đài PT&TH Vĩnh Long thực hiện với nhiều hình thức xen các chương trình phát thanh trực tiếp hoặc tài trợ qua các chương trình tư vấn sức khỏe, tư vấn giáo dục, tư vấn tuyển sinh,… Nguồn thu này có vai trò nhất định và phát thanh vẫn là kênh quảng cáo có tiềm năng phát triển.
"Để tạo nguồn thu trên phát thanh, hiện nay, Đài PT&TH Vĩnh Long thực hiện nhiều chương trình trực tiếp và livestream, các bản tin thời sự đầu giờ thông tin nhanh nhất các sự kiện vừa diễn ra nhằm nỗ lực tiếp cận và thu hút công chúng ở nhiều nền tảng khác nhau trên không gian mạng" - ông Tuấn chia sẻ.
Còn trên sóng truyền hình, từ năm 2014, Đài PT&TH Vĩnh Long bắt đầu thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình. Trung bình mỗi năm, đơn vị liên kết sản xuất 40 - 50 chương trình. Các chương trình liên kết này rất đa dạng về thể loại, từ chương trình truyền hình thực tế, gameshow đến phim ngắn, phim thiếu nhi và chương trình khoa giáo.
"Qua hoạt động liên kết, Đài huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư vào sản xuất chương trình, góp phần thu hút tài trợ và quảng cáo, đóng góp đáng kể vào nguồn thu và ổn định nguồn thu của Đài" - ông Tuấn thông tin.
Với nguồn thu trên nền tảng số, Đài PT&TH Vĩnh Long đã từng bước mở rộng phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện, nỗ lực khai thác mạng xã hội để đưa nội dung đến khán giả, tạo doanh thu, ổn định nguồn thu quảng cáo cho đơn vị.
Hạ tầng nền tảng số của Đài hiện có 1 trang Thông tin điện tử; 1 ứng dụng xem truyền hình miễn phí trên internet THVLi; 1 ứng dụng nghe phát thanh miễn phí trên internet THVLaudio. Cạnh đó là các nền tảng mạng xã hội gồm 48 kênh YouTube; 23 Fanpage Facebook; 4 kênh Tiktok; 1 kênh Instagram; 1 kênh X; 5 kênh Zalo; 1 kênh Threads; 6 kênh Myclip; 5 kênh Dailymotion.
Ông Lê Thanh Tuấn cho biết Đài PT&TH Vĩnh Long đã có hơn 20 năm thực hiện cơ chế tự chủ. Đơn vị đã nỗ lực không ngừng trong việc đa dạng hóa, phát triển và giữ vững nguồn thu.
Để đạt được thành công, Đài PT&TH Vĩnh Long luôn chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Ngoài các chương trình tự sản xuất, Đài PT&TH Vĩnh Long cũng đã phát huy hiệu quả của việc xã hội hóa, có cơ chế hợp tác linh hoạt, hiệu quả. Khi chương trình thu hút được khán giả thì các doanh nghiệp sẽ vào để quảng bá sản phẩm.
Đơn vị này luôn lắng nghe, tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu khán giả, từ đó hoạch định nội dung, bố trí chương trình phù hợp với yêu cầu của khán giả. Xây dựng chính sách thu hút quảng cáo hợp lý nhằm giữ vững khách hàng truyền thống và khai thác khách hàng tiềm năng.
Trước đó, tại hội nghị giao ban báo chí đầu xuân 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã lấy Đài PT&TH Vĩnh Long làm ví dụ trong việc có cách làm mới nhằm tăng sức hấp dẫn, cạnh tranh hơn của đơn vị.
Theo Phó Thủ tướng, dù là đài tỉnh nhưng Đài PT&TH Vĩnh Long đang cạnh tranh một số mặt với VTV hay HTV (TP HCM). Năm 2023, Đài PT&TH Vĩnh Long có doanh thu hơn 1.400 tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương khoảng 800 tỉ đồng. Cũng trong năm 2023, Đài PT&TH Vĩnh Long đã thu từ YouTube 4 triệu USD, tương đương 100 tỉ đồng.
Bình luận (0)