Ngày 24-7, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo chuyên đề "Dự trữ carbon và Đa dạng sinh học" với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ ngành trung ương, tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Kon Tum, các tổ chức quốc tế, các huyện thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tại hội thảo, các ý kiến đều có chung quan điểm Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, cơ hội lớn để tham gia sâu vào thị trường mua bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, do vướng các cơ chế, chính sách nên việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn.
Ông Hà Phước Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết năm 2021, Thủ tướng cho phép tỉnh Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thì địa phương vẫn đang loay hoay vì vướng cơ chế.
"Doanh nghiệp rất quan tâm và mong muốn tự bỏ tiền ra trước để hoàn thiện đề án nhưng gặp vướng mắc. Tỉnh gửi văn bản xin ý kiến thì bộ nói rằng làm theo quy định. Tuy nhiên làm theo quy định không được vì mình cho phép doanh nghiệp tự bỏ tiền thì sau này phải chỉ định thầu cho họ là bên mua. Nếu làm đúng thì sau này phải đấu thầu, trường hợp họ đấu thầu không trúng thì không biết giải quyết ra sao" – ông Phú chia sẻ.
Ông Vũ Tấn Phương, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, cho biết thách thức hiện nay là khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon…
Bà Nghiêm Phương Thuý, Cục Lâm nghiệp, cho rằng khó khăn, thách thức hiện nay là truyền thông và dư luận về tín chỉ carbon rừng chưa hiểu được ngọn ngành. Thể chế, chính sách chưa quy định về việc ai được quyền bán và tiền bán được sẽ xử lý như thế nào...
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói rằng tỉnh này rất trăn trở trong vấn đề bán tín chỉ carbon. Theo ông, thời điểm Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Nam xây dựng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, địa phương rất vui mừng.
Tỉnh Quảng Nam đã dồn nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng để mong mỏi bán tín chỉ carbon nhưng làm mãi không được, hỏi không ai trả lời do vướng cơ chế.
Ông Bửu đề nghị sau hội thảo, Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Chính phủ thành lập tổ chuyên trách về tín chỉ carbon. Tổ chuyên trách này có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương liên quan để giải quyết các vướng mắc.
"Cần phải sớm giải quyết các vướng mắc mà chúng ta đã chỉ ra. Những vướng mắc đã thấy rồi mà giải quyết không được là điều rất vô lý" – ông Bửu chia sẻ.
Từ năm 2007, thế giới hình thành thị trường tín chỉ carbon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Các nước phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ/giấy phép carbon rừng tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương (CO2e). Đây là loại hình thị trường carbon tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia trong mua bán, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.
Tại Việt Nam, năm 2020, Bộ NN-PTNT và Ngân hàng thế giới (WB) đã ký thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2018-2024. Đến năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam được chi trả 51,5 triệu USD từ việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho WB theo thỏa thuận nêu trên.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!