Ngày 26-3, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhận và chỉ đạo xử lý vụ việc liên quan đến bài viết "Đem đất công trình đổ vào rẫy người dân" mà Báo Người Lao Động đã phản ánh.
Theo vị này, do trữ lượng đất lớn, các bãi đổ thải được quy hoạch chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên nhà thầu đã có văn bản xin được đổ thải vào một số khu vực đất của người dân. Tuy nhiên, việc này phải có sự thỏa thuận của chủ đầu tư, chủ sử dụng đất và chính quyền địa phương rồi báo cáo UBND tỉnh để xem xét, chấp thuận.
Bên cạnh đó, các bãi thải này phải thuê quyền sử dụng đất của người dân và đổ đúng vị trí, khối lượng, nhà nước phải giám sát được. Sau này, có dự án nào đó cần khối lượng đất để san lấp, làm vật liệu xây dựng thông thường thì cấp quyền khai thác và thu thuế theo quy định.
"Ở đây báo chí phản ánh đất đổ len lỏi trong các vườn tiêu, cà phê của người dân và san mặt bằng như vậy là không đúng quy định. Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, UBND tỉnh tiếp thu để lãnh đạo, chỉ đạo. Tuần này, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ họp với các sở, ngành liên quan để xử lý vụ việc" - lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, theo ghi nhận trong các ngày 15-3 và 20-3, tại công trường đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (đoạn do Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CC1 thi công), hàng chục xe ben, xe tải thay nhau chở đất ra khỏi khu vực.
Đoàn xe chở đất chạy lòng vòng trên các trục đường dân sinh, qua nhiều xã rồi đến xã Ea Ning (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) thay vì vào các bãi thải đã được cho phép. Sau đó, các xe len lỏi đổ đất vào vườn rẫy cà phê, hồ tiêu của người dân.
Một doanh nghiệp vật liệu xây dựng cho biết hiện nguồn đất san lấp mặt bằng, làm nhà rất khan hiếm. Loại đất đỏ chở từ công trình đường cao tốc (như hình ảnh phóng viên cung cấp) có giá trị cao, mỗi xe ben tải trọng khoảng 15 khối sẽ có giá khoảng 1,5 triệu đồng.
Chưa hết, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở đầy đất khiến những con đường dân sinh "oằn mình" gánh tải trọng. Nhiều đoạn đường nông thôn hư hỏng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều chuyến xe che đậy sơ sài, đất rơi vãi khắp đường, bụi bay mù mịt.
Trước đó, CC1 đã có văn bản xin đổ khoảng 130.000m3 đất vào vườn rẫy của 7 hộ dân nhưng chưa được cơ quan chức năng cho phép.
CLIP: Xe ben ồ ạt chở đất từ đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đổ vào vườn rẫy của người dân
Bình luận (0)