Sáng 26-5, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế, đã đến kiểm tra công tác bảo vệ di tích và các hiện vật, các điểm thuộc quần thể di tích cố đô Huế sau sự việc ngai vua triều Nguyễn bị một đối tượng xâm hại, làm hư hỏng.

Ông Nguyễn Thanh Bình tại buổi kiểm tra sau vụ ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, địa phương này có 14 hiện vật/nhóm hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Trong đó, 2 nhóm hiện vật do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý, bảo vệ.
Cụ thể, thời chúa Nguyễn có 3 hiện vật/nhóm hiện vật là bộ vạc đồng; đại hồng chung chùa Thiên Mụ và bia Ngự kiến Thiên Mụ tự. Thời Nguyễn có 9 hiện vật/nhóm hiện vật là ngai vua, áo tế giao của hoàng đế, cửu đỉnh, cửu vị thần công; bia Khiêm Cung ký, chuông đồng Ngọ môn đúc thời Minh Mạng, trấn phong (phù điêu bằng đá) thời Minh Mạng, đôi tượng rồng thời Thiệu Trị, ngai vàng của hoàng đế Duy Tân.

Chiếc ngai vua triều Nguyễn phục chế với tỉ lệ 1:1 đã được đưa vào thay thế phục vụ khách tham quan.
Trao đổi với báo chí tại buổi kiểm tra, ông Bình khẳng định ngai vua triều Nguyễn bị đập phá hư hại là một sự việc đáng tiếc và gây hậu quả rất nghiêm trọng. UBND TP Huế đã báo cáo Chính phủ, Bộ VH-TT-DL về vụ việc này; đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn việc bảo quản các hiện vật quý, bảo vật quốc gia trên địa bàn.

Du khách tham quan điện Thái Hoà.
Theo ông Bình, Huế sẽ đánh giá lại toàn bộ sự việc và yêu cầu tiến hành rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng thời, phải rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng các phương án bảo vệ tốt hơn hiện vật cụ thể cũng như tổng thể di tích, di sản hiện hữu ở TP Huế.
Lãnh đạo TP Huế kiểm tra sau sự việc ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại.
"Chúng tôi đã giao trách nhiệm cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành xây dựng các phương án để bảo vệ theo đúng quy định pháp luật đối với các di tích, di sản, đặc biệt là các hiện vật cấp quốc gia. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ để gìn giữ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho di tích, hiện vật" – ông Bình nhấn mạnh.
Chiếc ngai vua triều Nguyễn bị làm hỏng có niên đại 1802-1945. Đây là chiếc ngai được chế tác dưới thời vua Gia Long (1802-1819), sau đó được sử dụng trong suốt 143 năm tồn tại của vương triều này, kéo dài qua 13 đời vua, kết thúc là vua Bảo Đại – thoái vị năm 1945.
Theo hồ sơ, chiếc ngai vua làm bằng gỗ, nặng khoảng 60 kg, gồm 2 phần là ngai vàng và đế ; phía trên có bửu tán. Ngai dài 87 cm, rộng 72 cm, cao 101 cm; phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm.
Như Người Lao Động đã đưa, trưa 24-5, Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983; quê TP Huế; hiện trú tại quận Bình Tân, TP HCM) mua vé vào cổng Đại nội Huế rồi vào khu vực điện Thái Hoà, nơi đặt ngai vua triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia được công nhận năm 2015. Tại đây, Tâm leo qua hàng rào bảo vệ trong điện rồi ngồi lên ngai vua triều Nguyễn. Tâm dùng tay bẻ gãy phần tựa tay bên trái của ngai vua và đập phá, làm phần tựa tay gãy thành nhiều mảnh.
Đối tượng này vẫn đang bị Cơ quan CSĐT Công an TP Huế tạm giữ hình sự, giám định tâm thần để làm rõ hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.
Sau sự việc, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đưa ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật. Chiếc ngai vua phục chế theo tỉ lệ 1:1 đã được đưa tới đặt tại điện Thái Hòa để phục vụ du khách. Hoạt động tham quan ở điện Thái Hòa nói riêng, Đại nội Huế nói chung đã trở lại bình thường.
Bình luận (0)