Nữ bệnh nhân 39 tuổi (ở Thanh Hóa) vừa được hồi sinh sau ca ghép tim từ người hiến chết não. Đây là ca ghép tim thứ 2 được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội).
"Phép mầu" sinh - tử
Ca bệnh vừa ghép tim này được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối, phân suất tống máu giảm do bệnh cơ tim giãn. Cách đây 5 năm, bệnh nhân được cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái (tim nhân tạo bán phần) để chờ đợi cơ hội ghép tim. Ca ghép được thực hiện ngày 14-5, bệnh nhân phục hồi tốt, tự thở sau một tuần.
Bác sĩ Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - phẫu thuật viên chính ê- kíp ghép, cho biết ghép tim rất phức tạp, nhiều nguy cơ. Chức năng tâm thu thất trái của bệnh nhân chỉ còn 15%, sống hoàn toàn lệ thuộc vào máy, nếu hệ thống ngừng hoạt động sẽ tử vong ngay. "Do lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam nên chưa đơn vị nào có kinh nghiệm. Chúng tôi đã tính toán trước mọi tình huống để ca mổ diễn ra một cách an toàn. Chỉ riêng thời gian gỡ dính, cắt tim cùng với hệ thống dụng cụ hỗ trợ thất trái ra khỏi cơ thể người bệnh mất tới 3 giờ. Ghép xong, phải mất thêm 1 giờ nữa để cầm máu kỹ lưỡng. Đến chiều cùng ngày, những nhịp đập đầu tiên ở người nhận đã chạy trên màn hình" - bác sĩ Hải nhớ lại.
Trước đó, lần đầu tiên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) ghép gan từ người hiến gan chết não cho bệnh nhân suy gan tối cấp, suy thận, sự sống tính theo giờ. Nữ bệnh nhân (46 tuổi) được chuyển đến từ Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán suy gan cấp - hôn mê gan trên tiền sử viêm gan B và có chỉ định phẫu thuật ghép gan toàn bộ. Đang bên lằn ranh sinh tử tưởng chừng như không còn hy vọng, phép mầu đã đến với người phụ nữ. Lá gan của người nam (48 tuổi) bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông đã cứu người phụ nữ hiếm muộn đang trong hành trình chữa trị để tìm con lại mắc thêm bệnh hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng - Bệnh viện Việt Đức, cho biết danh sách chờ ghép gan có khá nhiều người. Tuy nhiên, do sự sống của bệnh nhân chỉ tính bằng giờ, máu không đông, suy thận cấp, chức năng gan không còn hoạt động, nguy cơ tử vong trong khoảng 48 giờ. Bệnh viện đã quyết định ghép cho bệnh nhân. Sau 9 giờ phẫu thuật, ca ghép thành công, chức năng gan ghép đã phục hồi. Đây là một trong những trường hợp nặng nhất mà bệnh viện ghép thành công.
Bài toán chờ nguồn
Từ kết quả ghép tạng được triển khai tốt nên ngày càng có nhiều bệnh nhân đăng ký ghép tạng. Dù vậy, nhu cầu thì nhiều nhưng nguồn tạng hiến quá hiếm hoi nên danh sách người chờ ghép ngày càng dài thêm. Đơn cử với tình trạng suy tim giai đoạn cuối là hậu quả cuối cùng của tất cả bệnh lý tim mạch, 50% người bệnh sẽ tử vong sau 5 năm và phương pháp điều trị tối ưu là ghép tim. Tuy nhiên, thế giới cũng như Việt Nam, tim ghép vẫn luôn là bài toán khó do số lượng người hiến tim vô cùng ít, rất nhiều người bệnh suy tim sẽ lìa trần vì không thể chờ đợi. Hiện cả nước đang có hàng chục ngàn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống.
PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, tỉ lệ hiến tạng từ người chết não rất cao, hơn 90% tạng hiến lấy từ người chết não, chết tim. Tại Thái Lan, dù số lượng ghép tạng chưa được 700 ca/năm nhưng tính riêng năm 2022, có đến 547 ca ghép thận từ người cho chết não, bằng số lượng ghép tất cả các loại tạng từ người chết não của Việt Nam trong vòng 13 năm. Trong khi đó, số người hiến tạng nước ta vẫn còn thấp, chủ yếu từ người cho sống (chiếm 94%), còn tạng hiến từ người chết não thì rất thấp, chỉ 6%. Nguyên nhân chủ yếu do người dân còn định kiến về "một cái chết toàn thây".
Cánh tay nối dài vẫn chưa đủ
Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đến nay Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 47.000 đơn đăng ký hiến tạng. Chi hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam khu vực phía Nam thành lập mới đây với mong muốn phát triển hệ thống mạng lưới tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép tạng từ người cho chết não có tính thống nhất trong toàn quốc, chung tay lập nguồn mô, tạng cứu người. Tuy nhiên, để thay đổi được nhận thức xã hội về hiến tạng, cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất và ý nghĩa của nghĩa cử tốt đẹp này.
Theo các chuyên gia, đến nay ghép tạng không phải là vấn đề lớn, song còn nhiều vấn đề nghiên cứu, giải quyết như: thiếu hụt nguồn tạng; nguy cơ cao về miễn dịch; tái phát; nhiễm khuẩn, ung thư sau ghép; pháp lý...
Mới đây, tại lễ phát động phong trào "Hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, hàng ngàn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp. Đây là minh chứng rõ nét của tình thương, lòng nhân ái. "Mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỉ lệ sống sau ghép tạng nước ta còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, chi phí rẻ hơn rất nhiều. Đây là điều rất đáng tự hào" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Bên cạnh thành tựu đáng trân trọng, Thủ tướng cho rằng vẫn còn những lo toan, băn khoăn, trăn trở, khi số lượng ca ghép tạng chưa đáp ứng nhu cầu được ghép tạng của nhân dân.
Để thay đổi những suy nghĩ này, Thủ tướng cho biết cá nhân ông cùng gia đình đăng ký hiến mô, tạng để góp phần tạo phong trào, xu thế đăng ký hiến mô, tạng trên cả nước. Với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần mở lòng nhân ái, lan tỏa yêu thương, thắp sáng niềm tin, tiếp nối hy vọng, gieo mầm sự sống. Đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì "cho đi là còn mãi".
Hơn 8.600 người được cứu
Sau hơn 30 năm (từ năm 1992), nước ta đã thực hiện được hơn 8.600 ca ghép tạng. Riêng năm 2022 và 2023, mỗi năm ghép hơn 1.000 ca, trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện cả nước có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công, ghép được hầu hết các loại tạng như thận, gan, tim, phổi, tụy... Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng theo hướng sửa đổi một số nội dung thuận lợi hơn cho vận động hiến tạng.
Bình luận (0)