Đường đèo Hải Vân (đoạn qua địa phận TP Đà Nẵng) dài chưa đến 10 km nhưng có tới hàng chục hàng quán mọc lên trái phép. Thậm chí, nhiều khu du lịch (KDL) xây dựng kiên cố, đón khách tham quan, lưu trú trên đất rừng.
5 lần bị xử phạt vẫn chây ì
Chiều cuối tuần, du khách nhiều nơi đổ lên đèo Hải Vân ngắm cảnh. Vừa đưa cả nhà lên đỉnh đèo, ông Nguyễn Xuân Tư (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho hay cảnh vật trên đèo rất đẹp nhưng đường đi quá nguy hiểm.
"Không phải đường đèo hẹp, dốc khó đi mà vì các KDL, hàng quán ven đường quá bát nháo. Trước các KDL ven đường, xe cộ ra vào, đậu đỗ nườm nượp khiến giao thông hỗn loạn" - ông Tư nhận xét.
Khu vực ông Tư phản ánh nằm gần chân đèo Hải Vân, ngay khúc cua khuất tầm nhìn. Tại đây, 2 KDL là Hải Vân Xanh Glamping và Đồi Cừu Hải Vân nằm đối diện nhau, đều chưa được cấp phép.
Chúng tôi được hướng dẫn đỗ xe tại khu vực của KDL Hải Vân Xanh Glamping, sau đó băng qua đường bộ để vào KDL Đồi Cừu Hải Vân. KDL không bán vé nhưng du khách muốn vào chơi, chụp ảnh thì phải mua đồ ăn uống, gồm cà phê, nước suối, mì ăn liền…, đồng giá 35.000 đồng; riêng 2 ngày cuối tuần giá 45.000 đồng/sản phẩm.
Bên trong, quả đồi rộng hàng ngàn mét vuông thuộc rừng Hải Vân được chủ đầu tư cải tạo để phục vụ du lịch. KDL bố trí 2 khu trại chăn nuôi cừu, lắp đặt nhiều camera, dựng nhà tôn, nhiều sạp gỗ, lều, xích đu, tiểu cảnh và một số cầu gỗ dẫn lên những tảng đá lớn nằm chênh vênh giữa đồi để phục vụ khách chụp ảnh.
KDL này cũng manh nha xây dựng các điểm cắm trại, đón khách lưu trú qua đêm dù chưa được phép. Theo ghi nhận, mỗi ngày, KDL Đồi Cừu Hải Vân đón cả trăm lượt khách. Những dịp cao điểm, cuối tuần, lượng khách lên đến vài ngàn người.
KDL Hải Vân Xanh Glamping cũng quảng cáo rầm rộ, cung cấp các dịch vụ cắm trại, lưu trú cho du khách khi có nhu cầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các KDL trái phép trên từng bị UBND phường Hòa Hiệp Bắc cũng như UBND quận Liên Chiểu nhiều lần xử phạt vì xây dựng trái phép trên đất rừng. Trong đó, KDL Đồi Cừu Hải Vân từng bị xử lý đến 5 lần với nhiều biện pháp cưỡng chế nhưng đến nay vẫn bình chân như vại.
Quy hoạch lại toàn bộ
Xác nhận tình trạng trên, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết chỉ riêng trong năm 2023, phường đã 2 lần xử lý vi phạm đối với KDL Đồi Cừu Hải Vân.
Thậm chí, phường Hòa Hiệp Bắc còn cho người phá bỏ hàng loạt cột trụ, nhà lều, sạp gỗ của KDL này nhưng đến giáp Tết Nguyên đán, chủ cơ sở vẫn cho sơn sửa để tiếp tục đón khách. UBND phường dù biết nhưng chưa đủ lực lượng; đồng thời ngại ảnh hưởng dư luận trước, trong dịp Tết nên đã ghi nhận, củng cố hồ sơ để xử lý sau.
"Chủ KDL Đồi Cừu Hải Vân hợp đồng thuê đất rừng của người dân rồi tự ý làm KDL, không có bãi đỗ xe, không bảo đảm nhiều quy định. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND quận rút giấy phép sử dụng đất rừng do KDL này sử dụng sai mục đích; qua đó chấm dứt việc kinh doanh du lịch trái phép tại đây" - ông Hoàng nói.
Đối với KDL Hải Vân Xanh Glamping, ông Nguyễn Minh Hoàng khẳng định chưa được cấp phép. "KDL này đang xây dựng đề án khá chỉn chu, lấy ý kiến sở, ngành cũng tương đối rồi. Tuy nhiên, còn vướng thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Khi chuyển quyền sử dụng xong thì KDL này cơ bản bảo đảm về các mặt như giấy phép kinh doanh, đề án xây dựng, lấy ý kiến và được sự đồng ý của sở, ngành…" - ông Hoàng cho hay.
Để chấm dứt tình trạng hàng quán, KDL bát nháo tại đèo Hải Vân, UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng quy hoạch lại toàn bộ tuyến đường đèo Hải Vân. Địa phương đề xuất lập 20 ki-ốt trên đỉnh đèo (khu vực đối diện Hải Vân Quan) để tập trung các hộ đang kinh doanh dọc đèo Hải Vân không bảo đảm bãi đỗ xe. Qua đó, xây dựng khu kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống tập trung, đồng bộ tại đỉnh đèo Hải Vân.
Theo quy hoạch, các KDL phải bảo đảm bãi đỗ xe. Phường sẽ hỗ trợ các chủ cơ sở lấy ý kiến các sở, ngành; xây dựng đề án kinh doanh, phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng dưới tán rừng để phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân địa phương.
Theo ông Hoàng Thanh Hòa, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, quận rất quan tâm đến đời sống kinh tế, phát triển du lịch dựa vào đèo Hải Vân của người dân địa phương. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh phải bảo đảm quy định pháp luật. Bên cạnh việc xử phạt, quận sẽ hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi phù hợp đối với các hộ dân đang kinh doanh dịch vụ tại đèo Hải Vân.
Chưa có cơ sở giao đất
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, phường Hòa Hiệp Bắc có đến 81,5% là đất rừng, trong đó 1.361 ha là đất rừng sản xuất. Đây vừa là đất trồng rừng vừa thực hiện du lịch sinh thái nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Tuy nhiên, địa phương đang vướng ở chỗ giao rừng cho người dân nhưng chưa có cơ sở giao đất. Chỉ khi nào việc giao đất, giao rừng bảo đảm được tính pháp lý, người dân mới yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế.
Bình luận (0)