Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-8-2023 cho phép TP HCM thí điểm mô hình TOD (Transit Oriented Development - phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng).
Chọn 3 nhà ga để "va chạm thực tế"
Mô hình TOD được áp dụng với các tuyến đường sắt đô thị và đường Vành đai 3. Theo đó, những khu đất quanh nhà ga metro sẽ tăng hệ số sử dụng đất, tăng mật độ dân số để thu hút và phục vụ người dân cư trú. Từ đó, người có nhu cầu đi lại làm việc ở các khu vực này nhiều hơn; chính họ sẽ sử dụng metro để giảm ùn tắc giao thông và giúp tăng lượng khách dùng đường sắt đô thị.
Tuy nhiên, qua một năm, TP HCM chưa thể có TOD đường sắt đô thị hay TOD đường Vành đai 3. Góp ý về việc này, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức, cho rằng TP HCM cần chọn tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1) để xác định nhà ga phát triển TOD.
Ngày 3-8, UBND TP HCM tổ chức phiên họp lần thứ 5 của Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Phiên họp đã nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết 98 của TP HCM và mổ xẻ giải pháp, cách làm cho những cơ chế, chính sách chưa thực hiện được.
Tuyến Metro số 1 có 3 nhà ga tiềm năng có thể phát triển TOD. Đó là ga Phước Long kết hợp với khu vực Trường Thọ; ga Rạch Chiếc kết hợp với Khu Phức hợp thể thao Rạch Chiếc và tái phát triển khu vực phía Bắc; ga Suối Tiên kết hợp với Bến xe Miền Đông mới, giúp bến xe này không còn "hiu quạnh" và phát triển giao thông khu vực cửa ngõ TP HCM.
Với 3 nhà ga này, các sở Quy hoạch và Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường có thể phối hợp triển khai luôn quy hoạch chi tiết, làm thiết kế, mô hình đầu tư kinh doanh, tổ chức đấu thầu. Qua đó, tạo ra nhiều giá trị cho TP HCM.
Theo tính toán của TS Vũ Anh Tuấn, làm được TOD tại 3 nhà ga trên có thể đem lại cho TP HCM hàng tỉ USD để làm vốn mồi cho các tuyến khác và rút ra được nhiều kinh nghiệm từ lý thuyết đến thực tế. Ông cũng đề xuất số tiền thu được từ phát triển TOD nên đưa vào quỹ chung về phát triển đường sắt đô thị TP HCM, có thể bù đắp cho những tuyến phát triển kém hơn mà không cần chờ chính sách từ Trung ương.
Đồng tình, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng cần đấu giá quyền sử dụng đất và dùng tiền thu được để thực hiện dự án, không dùng ngân sách chung. TP HCM có thể sử dụng trái phiếu để thanh toán cho khâu bồi thường, khi thực hiện xong dự án TOD thì hoàn trả.
Hài hòa lợi ích
KTS-TSKH Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận Nghị quyết 98 và những nghị quyết tiếp theo của Trung ương chỉ mới giúp TP HCM định hướng phát triển TOD. Để hiện thực hóa thì cần đổi mới rất nhiều quy định liên quan, như đấu giá đất, thu hồi đất.
Dẫn câu nói nổi tiếng "nếu có 8 giờ để chặt cây thì hãy bỏ ra 4 - 6 giờ để mài rìu", ông Nam Sơn góp ý: "Nếu chúng ta có 11 năm để làm 180 km metro thì nên mạnh dạn bỏ ra 3 - 4 năm để tập trung làm tuyến Metro số 1 cho ra một tuyến TOD metro đàng hoàng, rõ ràng. Trong đó, cần kết nối tốt với xe buýt, thu hút đông đảo người dân sử dụng hằng ngày và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Từ đó, nhân rộng mô hình này sang các tuyến còn lại".
Đề xuất nữa đến từ nhiều chuyên gia là cần có sự đồng thuận của cộng đồng cư dân sinh sống tại khu vực thực hiện TOD.
Mô hình này cần sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, giữa các nhà đầu tư với nhà nước và người dân trong vùng ảnh hưởng. "Để làm được TOD thì sự đồng thuận của người dân trong việc thu hồi đất là rất quan trọng" - PGS-TS Võ Trí Hảo, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nhận xét.
Về giải pháp triển khai nhanh TOD, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng TP HCM cần xác lập một cơ chế thu hồi đất làm TOD, bảo đảm phân chia địa tô cân bằng giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Khi đó, sẽ sớm có quỹ đất sạch và triển khai đấu giá, thu hút nhà đầu tư chiến lược…
Cần tầm nhìn xa
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đánh giá triển khai TOD là thực hiện các dự án gắn với phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, chứ không thể làm giao thông xong rồi mới nghĩ tới TOD. Ngoài ra, khi làm TOD cần định hướng là tách phần bồi thường ra khỏi dự án, thành một dự án độc lập.
Theo ông Võ Văn Hoan, việc này thành phố làm chưa được. Do đó, ngành quy hoạch và giao thông phải tham mưu cho UBND TP HCM một đề án phát triển TOD tổng thể gồm bao nhiêu dự án lớn, những giải pháp cũng như cách thức triển khai.
"Bên cạnh việc nhà nước bỏ tiền ra bồi thường để thu hồi đất và làm dự án nhà ở thì cũng có những cái có thể huy động nguồn lực tư nhân, đi kèm đó là phát triển nhà ở, phát triển đô thị khi làm TOD"- ông Võ Văn Hoan gợi mở.
Bình luận (0)