Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vừa ký quyết định số 3981 ghi danh lễ hội điện Huệ Nam (loại hình lễ hội truyền thống) tại xã Hương Thọ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội điện Huệ Nam thường tổ chức vào dịp tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm, được xem là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Hoạt động của lễ hội thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng Thờ Mẫu với hàng vạn lượt người từ các tỉnh, thành về tham dự. Đây cũng được xem là một lễ hội văn hóa dân gian truyền thống mang tính cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.
Các hoạt động của lễ hội phần lớn được tổ chức tại di tích điện Huệ Nam, hay còn gọi là điện Hòn Chén, nằm ở ven thượng nguồn sông Hương qua địa bàn xã Hương Thọ, TP Huế.
Theo quyết định số 3979, nghề làm bún Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghề làm bún Vân Cù là làng nghề truyền thống nổi tiếng, được hình thành cách đây gần 400 năm. Hiện nay, nghề này có hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất, cung ứng cho người tiêu dùng và mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân.
Ba di sản văn hóa phi vật thể khác của Quảng Bình là lễ hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa (thuộc loại hình lễ hội truyền thống), hát tuồng bội xã Hưng Trạch (Bố Trạch) và hát sắc bùa huyện Minh Hóa và TP Đồng Hới (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian) cũng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đợt này.
Lễ hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa đã đi vào tâm thức của người dân và trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết tinh nét văn hóa đặc sắc của vùng quê sơn cước. Lễ hội được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách đến để trải nghiệm các giá trị tâm linh, văn hóa, nghệ thuật.
Hát tuồng bội xã Hưng Trạch và hát sắc bùa huyện Minh Hóa và TP Đồng Hới là những loại hình văn nghệ dân gian độc đáo, được người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ.
Tuồng bội Khương Hà (Hưng Trạch) được tổ chức theo hình thức gánh hát từ 13 đến 18 người bao gồm thầy tuồng (đạo diễn), đào, kép, hề, các vai diễn vua, chúa, tướng, binh lính, thầy đồ, học trò, quần chúng.
Làn điệu tuồng nhiều lối như nam ai, nam bình, nam dựng, tẩu mã, sa mạc, than, hà khắc, nói lối, trống quân… mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt trong cách phát âm, lối nhả chữ luyến láy mà dứt khoát, mạnh mẽ của người dân ở Khương Hà đã tạo nên nét đặc biệt so với ở các nơi khác.
Bình luận (0)