Sáng ngày 13-4, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Đình Thi và lễ đón Bằng công nhận Lễ hội Đình Thi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa trao bằng công nhận Lễ hội Đình Thi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện huyện Như Xuân. Ảnh: Minh Hiếu
Lễ hội Đình Thi nhằm tưởng nhớ công đức cha ông có công xây bản, lập mường và gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống quê hương đất nước, ý thức bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất miền Tây Thanh Hóa.
Đình Thi được xây dựng từ thế kỷ thứ 16, ở làng Sẹt xưa, nay là làng Trung Thành thuộc thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân. Theo sử sách, ông Lê Phúc Thành là người có công đi theo nghĩa quân Lam Sơn trong những năm đầu cuộc kháng chiến (1416-1427). Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, ông được phong đất lộc điền ở làng Sẹt và làm quan cai quản vùng đất này.
Năm Quang Thuận thứ 5 (năm 1464) dưới thời vua Lê Thánh Tông, ông Lê Phúc Thành đã phân chia đất đai cho các con của mình (ông sinh được 4 người con) cai quản bốn vùng đất của bốn làng, dưới thời Nhà Lê đều được phong quan lang, đều được xây dựng đền thờ và có sắc phong của nhà vua.

Đình Thi nơi thờ người có công theo nghĩa quân Lam Sơn
Năm 1995, Đình Thi được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2024, Lễ hội Đình Thi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh Lễ hội Đình Thi được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự tôn vinh một di sản văn hóa với sức sống mãnh liệt; tôn vinh những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của di sản; thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống hiện nay.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại lễ khai hội Đình Thi
Đây cũng là dịp để nhân dân huyện Như Xuân bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, bằng tài năng sáng tạo và nỗ lực, đã gìn giữ tài sản quý báu này, để hôm nay được vinh danh và ngày mai sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng mong muốn Như Xuân cần xác định việc gìn giữ và bảo tồn, phát triển Lễ hội Đình Thi không chỉ là trách nhiệm của các nghệ nhân và người dân trong vùng di sản, mà còn là trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc trong huyện Như Xuân.

Các tiết mục nghệ thuật tại lễ hội
Từ đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để tiếp tục đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Bình luận (0)