Liên quan đường dây thuốc giả và thực phẩm chức năng giả quy mô toàn quốc vừa bị triệt phá, ngày 18-4, đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã có kết quả phân tích, xét nghiệm mẫu thuốc giả.
Đông dược chứa... thuốc giảm đau
Theo đó, với nhóm đông dược (chữa bệnh xương khớp), phát hiện trong thành phần có lượng lớn thuốc giảm đau không được phép sản xuất trong đông y. Còn nhóm tân dược giả chưa phát hiện dược tính độc hại nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.
Theo các chuyên gia y tế, thuốc đông y giả trị xương khớp chỉ chứa thuốc giảm đau và thuốc tây giả không chứa kháng sinh như quảng cáo thì không có tác dụng chữa bệnh. Đáng chú ý, có nhiều loại thuốc giả được làm từ thảo mộc không rõ nguồn gốc, bột màu công nghiệp, thậm chí có kim loại nặng như chì, thủy ngân. Nếu dùng lâu dài những loại thuốc giả này có thể gây độc cho gan, suy thận, tổn thương thần kinh và mạch máu. Đặc biệt, thuốc trị xương khớp thường bị trộn corticoid liều cao, có thể gây suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim.
Về nguyên nhân, các chuyên gia y tế cho rằng do lợi nhuận lớn nên nhiều đối tượng bất chấp vi phạm pháp luật để sản xuất thuốc giả. Cùng với đó là thói quen tự ý mua thuốc, lạm dụng kháng sinh của người dân khiến thuốc giả có "đất sống". Việc kiểm nghiệm, phát hiện thuốc giả ở Việt Nam còn hạn chế; người tiêu dùng khó phân biệt thuốc thật - giả.


Một số loại thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán trên website, mạng xã hội. Ảnh: NGỌC DUNG
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết thuốc giả là vấn đề mà bệnh viện rất lo ngại, cần có hàng rào pháp lý để ngăn chặn. Do đó, các loại thuốc vào bệnh viện phải có số đăng ký, được ghi trong dược điển và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, bệnh viện còn căn cứ tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tiêu chuẩn của châu Âu (EU) khi mua sắm thuốc đấu thầu.
Theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, thuốc giả trong đường dây vừa bị triệt phá tại Thanh Hóa không vào được bệnh viện vì không có giấy tờ đấu thầu. Các loại thuốc này chủ yếu được bán trên mạng, kênh bán lẻ, dưới hình thức rất tinh vi, thậm chí có cả "tem chống hàng giả". Bước đầu, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị chức năng cũng xác nhận điều này.
Chợ mạng thuốc gì cũng có
Thực tế, chỉ với vài thao tác tìm kiếm trên mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng. Các bài quảng cáo này tiếp cận người dùng dưới dạng video, hình ảnh bắt mắt, cùng những lời mô tả công dụng quá mức như "hỗ trợ điều trị ung thư", "phục hồi hoàn toàn xương khớp", "hết bệnh sau một liệu trình"...
Trên nền tảng Facebook, có rất nhiều hội, nhóm bán thuốc tây hoạt động sôi động, như nhóm Thuốc Sỉ (53.000 thành viên), chợ sỉ thuốc tây Quận 10 - TP HCM (45.100 thành viên), chợ Thuốc Việt Nam (29.000 thành viên), Hội nhà thuốc và quầy thuốc Việt Nam (46.300 thành viên)... Bất cứ ai có nhu cầu mua loại thuốc nào, chỉ cần đăng bài sẽ có người báo giá, liên hệ giao dịch.
Tài khoản N.T.K.D vừa đăng bài tìm mua 10 hộp thuốc Panagin (để điều trị một số bệnh tim mạch) trong một Fanpage thì hàng loạt tài khoản khác vào báo giá với nhiều mức khác nhau, từ 112.000 - 140.000 đồng/hộp, rẻ hơn tại một số chuỗi nhà thuốc lớn từ 20.000 - 30.000 đồng/hộp. Nhiều loại thuốc được rao giảm giá tại các group, như viên ngậm Strepsils CAM (H/24v) giảm còn 32.500 đồng/hộp, Calcium corbiere EXTRA 10ml Sanofi còn 180.500 đồng/hộp. Có nhóm còn tặng voucher 50.000 đồng cho đơn hàng 2 triệu đồng, áp dụng với khách hàng mới; miễn phí giao hàng cho các đơn từ 1,5 triệu đồng.
Đáng chú ý, nhiều Fanpage rầm rộ chạy quảng cáo cho các loại thực phẩm chức năng bổ não, hỗ trợ xương khớp, cải thiện bệnh gout... với đủ chủng loại và mẫu mã; cam kết nguồn hàng đa dạng, liên tục cập nhật sản phẩm mới.
Theo quy định, từ ngày 1-7-2025, chỉ một số loại thuốc không kê đơn mới được phép bán trên website, sàn thương mại điện tử được cấp phép. Người dân không nên mua thuốc qua mạng xã hội, người bán cá nhân hoặc qua các phiên livestream bán hàng. Khi mua tại nhà thuốc, cần chọn nơi uy tín, có địa chỉ rõ ràng; bao bì thuốc phải nguyên vẹn, không tẩy xóa, thông tin rõ ràng. Nếu thuốc có mã vạch hoặc mã QR, nên kiểm tra; trường hợp không quét được mã hoặc thông tin sai lệch, cần nghi ngờ nguồn gốc. Người mua cũng cần yêu cầu xuất hóa đơn để vừa bảo đảm truy xuất nguồn gốc vừa là căn cứ để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.
Người dân có thể tự tra cứu thông tin về các loại thuốc đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam thông qua Cổng dịch vụ công của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index.
Thuốc giả vào bệnh viện được không?
Ông Lê Ngọc Danh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ dược - Sở Y tế TP HCM, cho biết thuốc lưu hành trên thị trường bắt buộc phải qua kiểm nghiệm thông qua phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn của chính doanh nghiệp sản xuất hoặc đơn vị kiểm nghiệm độc lập có chức năng. Thuốc nhập khẩu phải có phiếu kiểm nghiệm từ cơ sở sản xuất; vắc-xin, huyết thanh, thuốc từng vi phạm chất lượng bắt buộc kiểm định lại tại Việt Nam (tiền kiểm). Thuốc giả có hai dạng chính, gồm giả mạo nhãn hiệu (sử dụng vỏ thuốc thật nhưng ruột kém chất lượng) và không chứa dược chất điều trị. Điều đáng lo ngại là thuốc giả len lỏi vào thị trường qua kênh bán lẻ tự do, không hóa đơn, không truy xuất được nguồn gốc. "Thuốc giả gần như không thể vào bệnh viện. Còn với thị trường tự do, nếu cơ sở kinh doanh hoặc người tiêu dùng không yêu cầu hóa đơn thì nguy cơ rất lớn" - ông Danh cảnh báo.
H.Yến
Bình luận (0)