Khi tôi gọi điện thoại đến nhà Mai Quốc Bảo, đứa trẻ đầu tiên của Việt Nam sinh ra trong ống nghiệm để xin một cuộc hẹn, thì đầu kia, một giọng non trẻ đáp lại: “Dạ, em là Bảo đây. Giờ này ba mẹ em đi vắng. Chị để số điện thoại lại, khi nào mẹ em về, em nói lại, mẹ sẽ gọi cho chị”. Tôi chưa hết ngạc nhiên vì sự lanh lẹ của cậu bé thì khoảng 15 phút sau, chị Mai Thúy Nga, mẹ Bảo, đã gọi lại...
Mong manh hy vọng
Theo địa chỉ, tôi tìm đến căn nhà thoáng rộng trên đường Lê Trực, quận Bình Thạnh - TPHCM. Vừa vào đến nhà, một cậu bé khỏe mạnh, lanh lợi ra chào khách, tôi đoán đấy là Bảo và chính xác. Mở đầu câu chuyện, anh Mai Văn Phơn, ba của Bảo, dường như không nén được niềm vui mỗi khi được gợi lại chuyện xưa. Anh kể: “Đã 10 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa dám tin đây là sự thật. Hạnh phúc quá lớn đối với chúng tôi”.
Hơn 20 năm trước, vợ chồng anh Phơn, chị Nga vui mừng chờ đợi đứa con đầu lòng ra đời. Nhưng sau một lần trượt chân ngã, đứa bé trong bụng chị không còn. Rồi chờ mãi, chờ mãi, chị vẫn không cảm nhận bất cứ dấu hiệu nào của thai nghén. Sau đó, chị đã khóc hết nước mắt khi các bác sĩ ưu tư nhìn chị, bảo rằng chị khó có con. Nhưng bản năng muốn được làm mẹ cứ cồn cào, thôi thúc. Nghe ai bày thuốc gì hay, chỉ thầy nào giỏi, chị đều sốt sắng làm theo. Và bất chấp đường xa trắc trở, chị đã nhiều lần lặn lội tìm đến các chùa, nhà thờ để khấn xin một đứa con.
“Thấy vợ chồng tôi tha thiết quá, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, lúc ấy là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, an ủi: Cố chờ đi Nga, bệnh viện sẽ cố gắng làm một điều gì đó. Và một ngày, bác sĩ Phượng gọi vợ chồng tôi vào bệnh viện, tiến hành xét nghiệm để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Chúng tôi mừng khôn tả. Dù là một tia hy vọng, chúng tôi cũng khấp khởi mong đợi” - chị Nga kể.
Bảo, tức là bảo vật gia đình
Cùng làm xét nghiệm với chị Nga lần ấy có 99 phụ nữ khác. Trong đó, chị Nga lớn tuổi nhất. Khi đó, theo các bác sĩ, tỉ lệ thành công của thế giới là 5/1.000 đối với phụ nữ dưới 35 tuổi, trong khi lúc ấy chị đã 42 tuổi. Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, công tác tại Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ lúc ấy, gặp chị và nói: “Tỉ lệ thành công thấp lắm nghe chị Nga. Chị có chắc chắn muốn làm không?”. Chị trả lời không do dự: “Dù là 1/1.000, tôi cũng làm. Đây là hy vọng cuối cùng của vợ chồng tôi”.
Trong 100 người thụ tinh lần đầu tiên ấy, 70 người có phôi, nhưng chỉ có 3 người trong số đó đậu thai. “Ngày mọi người trong bệnh viện ùa lại chúc mừng vợ tôi đã có mang, tôi thấy hai chân mình chấp chới, sung sướng tột cùng” - anh Phơn nói, giọng xúc động.
Và bắt đầu những ngày tháng thai hành, chị Nga ói liên tục cho đến ngày sinh. Chị phải truyền dịch, bắt đầu quen với những ngày sống trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
Rồi cái giây phút được đón đợi nhất cũng đến. Theo dự kiến, 9 giờ 45 phút ngày 30-4-1998, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ mổ cho chị Nga và con chị sẽ là đứa bé thứ 2 chào đời trong 3 đứa bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên. Nhưng phút cuối đã có sự thay đổi. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhớ như in: “Đến 22 giờ ngày 29-4-1998, siêu âm cho chị Nga, thấy nhau đã quấn cổ, chúng tôi quyết định phẫu thuật ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng đứa bé. Đúng 2 giờ 45 phút ngày 30-4-1998, cậu nhóc nặng 2,5 kg cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vô bờ của gia đình cũng như ê kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ”. Ngay sau đó, ông ngoại cháu đặt cho cháu tên Mai Quốc Bảo với ý nghĩa cậu bé không chỉ là bảo vật gia đình mà còn là sự kiện mang tầm quốc gia. Nó đánh dấu sự bắt đầu ngoạn mục của công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam, mở ra niềm hy vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn.
![]() |
Mai Quốc Bảo trong vòng tay cha mẹ. Ảnh: Hồng Đào |
Học khá, chơi thể thao giỏi
Năm nay, Bảo đang học lớp 5D Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, quận Bình Thạnh - TPHCM. Nói về việc học của con mình, anh Phơn phấn chấn: “Ngay từ bé, Bảo đã có ý thức tự giác, không để ba mẹ phải nhắc nhở chuyện học hành”. Buổi sáng, mẹ thức dậy chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà, ba chở Bảo đến trường. Buổi trưa, Bảo tự đi bộ về nhà. Công việc đầu tiên khi về nhà là gọi điện thoại cho ba mẹ, thông báo đã về nhà. Đầu giờ chiều, Bảo tự đi học thêm. Học xong, Bảo ghé trường chơi bóng rổ. Ngày thứ bảy, chủ nhật, Bảo đến lớp học Anh văn. Công việc quản lý ở Công ty Vận tải biển Sài Gòn của anh Phơn và nhân viên phòng nhân sự khách sạn Đệ Nhất của chị Nga quá bận rộn. Hai anh chị không về buổi trưa mà để Bảo tự ăn uống, đi học. Từ năm học lớp 4, Bảo đã tự đi về, không cần người đưa rước. Hỏi sao không đi xe ôm cho nhanh, Bảo cười: “Đi xe ôm tốn nhiều tiền lại phiền các chú chờ đợi, đưa đón. Em thấy mình lớn rồi”.
Hè năm lớp 4, Bảo đã học xong bằng A vi tính. “Bây giờ các thao tác trên máy, Bảo rất rành, nhiều khi còn chỉ lại cho mẹ” - chị Nga khoe. Còn thầy chủ nhiệm lớp 5D Phan Trung Thạch thì nhận xét: “Bảo học khá, lại ngoan ngoãn. Đặc biệt, em là một vận động viên cừ khôi của trường”. Bảo rất thích thể thao, cậu nhóc tự đăng ký vào đội tuyển bóng đá, rồi bóng chuyền của trường. Mỗi tuần 3 buổi, không buổi nào Bảo vắng chơi bóng ở sân trường. Có lẽ vì thế mà mới 10 tuổi, Bảo đã cao 1,48 m và nặng 44 kg, dáng người rắn chắc, khỏe mạnh.
Bác sĩ Ngọc Phượng cho biết: “Chúng tôi theo dõi sức khỏe của Bảo rất kỹ. Hồi còn bé, Bảo rất ít bệnh vặt như những đứa trẻ khác, thỉnh thoảng chỉ sổ mũi, ho rồi cũng nhanh khỏi. Từ ngày Bảo lớn, chơi nhiều môn thể thao, chiều cao, cân nặng cũng tăng nhanh”.
Năm nào cũng vậy, vào dịp đầu Xuân, anh Phơn - chị Nga đều đưa Bảo đến chúc Tết bác sĩ Phượng, báo cáo cho bà biết tình hình học tập, sức khỏe của Bảo.
Bình luận (0)