Liên hoan Sân khấu TP HCM lần 1-2024 (từ 12 đến 29-11) thu hút đông đảo lực lượng nghệ sĩ trong và ngoài công lập của 20 đơn vị với 24 vở diễn.
"Khát vọng phương Nam"
Theo Ban Tổ chức (BTC), việc đặt tên liên hoan là "Khát vọng phương Nam" là nhằm hướng đến mục tiêu sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của người xem hôm nay, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ thể hiện mình, là dịp cho các đơn vị kịch nói của TP HCM khẳng định thương hiệu.
Nét mới của liên hoan là BTC đưa ban giám khảo đến với từng sàn diễn, để họ cùng ngồi xem với khán giả. Có như vậy ban giám khảo mới cảm nhận được hơi thở của cuộc sống, mới nhận thấy được giá trị của vở diễn mà khán giả đã bỏ tiền ra mua vé để xem. Điều này khác hẳn với việc xem kịch theo kiểu vé mời.
Một chút tiếc nuối là dự định mời các đơn vị nghệ thuật phía Bắc tham dự cuối cùng do nhiều lý do khách quan nên các anh hào đất Bắc đành hẹn dịp sau. NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, chia sẻ: "Ngay trong đêm khai mạc đã thấy không khí hào hứng của các đơn vị công lập và ngoài công lập. Điều này khẳng định sức sống mạnh mẽ của sàn diễn kịch tại TP HCM, kỳ vọng rằng liên hoan sẽ mang lại nhiều bất ngờ thú vị cho công chúng".
Theo nhận định của NSND Kim Cương, "không gian nghệ thuật kịch nói TP HCM vẫn là nơi sôi động nhất của cả nước". Phong cách kịch nói miền Nam nói chung, TP HCM nói riêng luôn có có nhiều gam màu và bức tranh tổng thể thay đổi theo nhu cầu của công chúng.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết đã ghi nhận được nhiều tín hiệu vui từ liên hoan. Chẳng hạn một số đơn vị lâu nay khai thác khuynh hướng giải trí nhưng khi tham dự liên hoan, đã tự điều chỉnh, nâng cao tính tư tưởng, chủ đề mang tính nhân văn, đi vào chiều sâu đời sống tâm hồn của con người, vùng đất phương Nam, lấy tính nhân văn - nghĩa tình làm chủ đạo. Và những vở diễn này đã chinh phục được khán giả.
Gạn đục khơi trong
Trong 24 vở diễn của 20 đơn vị tham gia, hơn 2/3 là sản phẩm của sân khấu xã hội hóa nên hầu hết đều chọn vở diễn dự thi theo hướng phục vụ nhu cầu khán giả thưởng thức bằng việc mua vé. NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, cho rằng đó là nét đặc trưng của sân khấu kịch nói TP HCM, dù bán được vé nhưng vẫn bám sát tiêu chí của liên hoan.
Khán giả đã cổ vũ nồng nhiệt các vở: "Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử", "Má ơi, Út dìa" (Nhà hát IDECAF), "Dâu ngọt", "Mễ Cốc phiêu lưu ký" (Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh), "Cơn mê cuối cùng" (Sân khấu Hoàng Thái Thanh), "Bông cánh cò", "Đứt dây tơ chùng" (Sân khấu kịch Hồng Vân), "Đêm vượn hú" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), "Lỡ nhớ lầm thương" (Sân khấu Sài Gòn Phẳng)… Những vở thuộc đề tài cách mạng như: "Đồng chí" (Hội Sân khấu TP HCM), "Ngày ấy cổng trời" (Sân khấu Trịnh Kim Chi), "Cánh đồng rực lửa" (Sân khấu Quốc Thảo) cũng khan hiếm vé, vì khán giả đến xem rất đông.
Liên quan 3 vở phải phúc khảo lại lần 2, gốm: "Hoa sắt" (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM), "Nữ tướng rừng dừa" (Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Nam Á), "Showbiz" (Công ty TNHH Nghệ thuật giải trí Sao Minh Béo), NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét cả 3 vở đều yếu về mặt hình thức dàn dựng, nội dung có phần dàn trải, hình tượng nhân vật chưa được khắc họa rõ. Dù phúc khảo lại nhưng vẫn còn nhiều chỗ chưa thật sự hài lòng.
Những người trong cuộc cho rằng nên thẳng thắn loại những vở kém chất lượng. Sự thẩm định nghệ thuật cần mạnh tay hơn để gạn đục khơi trong, tìm đúng những vở diễn chất lượng cao tranh tài tại liên hoan.
Dư luận cho rằng liên hoan sân khấu TP HCM rất cần có lối đi riêng để tránh rơi vào tình trạng của không ít liên hoan khác với cơn mưa huy chương, rồi sau đó vở diễn cất vào kho, công chúng không được thưởng thức
Các nhà chuyên môn nhận xét một vở diễn thành công là phải liên tục sáng đèn và liên hoan này đang làm được điều đó.
"NSƯT Minh Nhí nói ông đã từng đoạt huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu toàn quốc, nhưng nếu lần này không có huy chương, ông vẫn vui vẻ bởi liên hoan sân khấu phải là nơi công tâm, khát vọng sáng tạo nghệ thuật hướng đến công chúng.
Bình luận (0)