Tờ The Telegraph đưa tin các quan chức Mỹ đã "mở cánh cửa" chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần cho binh lính Anh và châu Âu để hỗ trợ một thỏa thuận hòa bình tiềm năng giúp bảo vệ Ukraine trên bộ, trên không và trên biển.
Thủ tướng Anh Keir Starmer coi diễn biến này là một bước đột phá đáng kể. Những tháng gần đây, ông Starmer đã tìm kiếm những bảo đảm như vậy từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, theo The Telegraph, câu hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng can thiệp hay không nếu binh sĩ phương Tây bị Nga tấn công vẫn còn bỏ ngỏ.
Thủ tướng Anh Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thúc đẩy sáng kiến hình thành "liên minh tự nguyện", theo đó các đồng minh châu Âu sẽ sử dụng binh lính của họ để thực thi bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở Ukraine.
Hơn 30 quốc gia ngỏ ý ủng hộ, mặc dù chỉ một số ít công khai đề nghị gửi quân tới Ukraine.

Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố một số quốc gia châu Âu, bao gồm Anh và Pháp, đang phát triển một liên minh tự nguyện hỗ trợ Ukraine. Ảnh: Aljazeera
Trong bối cảnh hiện nay, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Ukraine trong cuộc gặp gần đây với đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff.
Phát biểu với các phóng viên ngày 26-4, ông Peskov xác nhận chủ đề này đã được đề cập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và đặc phái viên Mỹ tại Điện Kremlin trước đó một ngày.
Đài RT dẫn lời ông Peskov nói: "Trong cuộc trao đổi với đặc phái viên của ông Donald Trump, ông Witkoff, Tổng thống Putin đã nhắc lại rằng phía Nga sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán với Ukraine mà không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào".
Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh ông Putin đã nhiều lần đề cập đến việc sẵn sàng đàm phán của Nga.
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tại Moscow vào ngày 25-4 là cuộc họp mới nhất trong một loạt các cuộc tiếp xúc giữa Moscow và Washington trong những tháng gần đây.
Đặc phái viên Mỹ, được coi là nhân vật chủ chốt đằng sau việc khởi động các cuộc đàm phán về xung đột tại Ukraine, đã tổ chức nhiều vòng đàm phán với các quan chức cấp cao của Nga, bao gồm ít nhất 3 cuộc họp với tổng thống Nga.
Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yury Ushakov, và Đặc phái viên về hợp tác đầu tư và kinh tế quốc tế của Nga Kirill Dmitriev cũng tham gia cuộc họp ngày 25-4.
Ông Ushakov mô tả cuộc trao đổi kéo dài 3 giờ là "mang tính xây dựng và rất hữu ích". Theo ông Ushakov, "cuộc hội đàm cho phép chúng tôi thống nhất hơn nữa lập trường của Nga và Mỹ không chỉ về Ukraine mà còn về một số vấn đề quốc tế khác".
Bên cạnh đó, Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin xác nhận khả năng nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev đã được thảo luận trong cuộc họp.
Nga và Ukraine đã không đàm phán trực tiếp kể từ những tuần đầu sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự vào tháng 2-2022.
Bình luận (0)