Vào lúc 19 giờ, hành lang nhà nghỉ thân nhân Bệnh viện Chợ Rẫy
(TP HCM) chìm trong không gian tĩnh lặng. Ánh đèn vàng nhạt hắt lên những khuôn mặt mệt mỏi. Người ngồi bệt trên sàn, người tựa lưng vào tường, khuôn mặt phờ phạc sau bao đêm thức trắng. Người thở dài lo lắng về bệnh tình của người thân vẫn len lỏi, âm ỉ như một nỗi đau không lời.
Đồng cảm, sẻ chia
Bất chợt, một giọng nữ trầm ấm vang lên qua chiếc loa nhỏ trên tường: "Mời cô bác cùng lắng nghe trang sách "Hiểu về trái tim" - Khi ta biết chấp nhận, khổ đau sẽ hóa thành cơ hội...".
Giữa không gian ngột ngạt ấy, Radio Nhà nghỉ - chương trình phát thanh đặc biệt do Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện - như một làn gió nhẹ len lỏi vào từng tâm hồn đang oằn mình vì bệnh tật và nỗi đau.
Bà T.T.T.T (55 tuổi, ngụ Bình Dương) ngồi lặng lẽ trong căn phòng nhỏ dành cho thân nhân bệnh nhân tại nhà nghỉ bệnh viện. Trên tay bà là vài bộ quần áo còn gấp dở - đồ của con trai, một bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Khoa Huyết học.
Tiếng loa nhỏ vang lên, trầm ấm và chậm rãi, mở đầu một bài hướng dẫn về cách kiểm soát cơn đau sau hóa trị. Bà khựng lại, bàn tay chùng xuống, rồi cứ thế ngồi yên nghe hết bản tin. "Giọng đọc ấm áp, nhẹ nhàng, lại đúng lúc mình đang rối trí vì bệnh tình của con... Nghe như có ai đó hiểu mình vậy. Ở đây, không có người thân nào không mang trong lòng nỗi đau. Nghe xong, tôi thấy nhẹ lòng đến lạ" - bà T. bộc bạch.
Với bà T. và nhiều bệnh nhân, những bản tin từ Radio Nhà nghỉ không chỉ cung cấp thông tin y tế hữu ích mà còn như một người bạn đồng hành, nâng đỡ tinh thần trong những lúc mệt mỏi.
Trước giờ thu âm, chị H.G - một tình nguyện viên gắn bó với chương trình Radio Nhà nghỉ từ những ngày đầu - cẩn thận kiểm tra từng bản thu âm. Mỗi bản tin đều được các tình nguyện viên chọn lọc kỹ lưỡng. "Không chỉ cung cấp thông tin y tế đơn thuần, mục tiêu chúng tôi hướng đến là chạm được vào nỗi lòng của người nghe - những người đang ở trong trạng thái mỏng manh nhất giữa bệnh tật và lo toan" - chị H.G chia sẻ.
Nội dung phát thanh bao gồm những bài viết truyền cảm hứng, những câu chuyện có thật, đoạn trích sách chữa lành hay chỉ đơn giản là một bài thơ nhẹ nhàng. Tất thảy đều có chung một mục đích là đồng hành với người bệnh và thân nhân, giúp họ thấy mình không đơn độc.
Với chị H.G và những người làm chương trình, từng giấc ngủ bình yên, từng khoảnh khắc an tâm của người bệnh - dù chỉ thoáng qua - cũng là động lực để họ tiếp tục góp từng giọng đọc, từng bản nhạc, từng câu chuyện nhỏ bé nhưng chan chứa tình người.

Lớp yoga đặc biệt dành cho bệnh nhân ung thư giúp người bệnh cải thiện cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM)
Lớp yoga đặc biệt
Không chỉ có bản tin radio, mỗi sáng, tại khu vực sảnh nhà nghỉ, tiếng nhạc thiền lại vang lên. Hai mươi "chiến binh K" - những bệnh nhân ung thư - chậm rãi tập theo hướng dẫn của huấn luyện viên Trần Thy Cẩm Tú (28 tuổi). Chị Tú từng là bệnh nhân ung thư, nay trở lại với vai trò người truyền lửa. "Tôi từng dừng lại mọi thứ để điều trị. Có mặt ở đây với vai trò huấn luyện viên yoga, tôi mong có thể tiếp thêm năng lượng để mọi người cảm thấy nhẹ nhõm hơn, mạnh mẽ hơn" - chị Cẩm Tú chia sẻ.
Các bài tập được chị Tú thiết kế linh hoạt, phù hợp với thể trạng từng người. Chỉ cần một tấm thảm và không gian tĩnh lặng, người bệnh đã có thể tìm lại cảm giác kiểm soát và thấu hiểu cơ thể mình.
"Sau mỗi buổi tập, tôi thấy thể chất lẫn tinh thần có cải thiện, những lo âu dường như tan biến" - chị V.T.N (40 tuổi, ngụ Đắk Lắk), một bệnh nhân ung thư vú, cho biết. Với ông L.K.C (60 tuổi, ngụ Bình Phước), một bệnh nhân u não, lớp yoga giúp ông cảm thấy khỏe hơn, lạc quan hơn.
ThS Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện không chỉ là nơi chữa lành thể xác mà còn cần là nơi nuôi dưỡng tinh thần. Người bệnh và thân nhân thường mang trong lòng những nỗi sợ, nỗi lo không thể nói ra. "Chúng tôi muốn tạo ra những không gian để họ được vỗ về, được tiếp thêm niềm tin" - ông Hiển cho biết.
Chương trình Radio Nhà nghỉ được phát sóng vào 2 khung giờ đặc biệt: sáng sớm và tối muộn - thời điểm thân nhân bệnh nhân thường rơi vào trạng thái dễ tổn thương nhất về mặt tinh thần. Nội dung chương trình được tuyển chọn kỹ lưỡng, gồm những câu chuyện chữa lành, lời thiền, trích đoạn từ sách "Hiểu về trái tim"… với mong muốn sẽ phần nào xoa dịu nỗi bất an, giúp người nghe tìm lại sự cân bằng trong giai đoạn nhiều áp lực.
Trong khi đó, chương trình yoga cho "chiến binh K" bắt đầu từ 5 giờ sáng hằng ngày, hướng đến mục tiêu giúp người bệnh hồi phục cả thể chất lẫn tinh thần. Thời gian tới, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ có thêm nhiều chương trình nâng cao đời sống tinh thần cho bệnh nhân và thân nhân.
Bình luận (0)