. Phóng viên: Phụ huynh thắc mắc việc xếp một số môn tự chọn như tiếng Anh với người nước ngoài, STEM, kỹ năng sống… vào thời khóa biểu các môn chính khóa ở chương trình bậc tiểu học tại một số trường là chưa đúng?
- Ông NGUYỄN BẢO QUỐC: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bậc tiểu học, 100% học sinh (HS) học 2 buổi/ngày, để được rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu mà chương trình đặt ra. Khi trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cần tổ chức mỗi ngày không quá 7 tiết, thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần, với 32 tiết/tuần.
Trong đó, ngoài việc thực hiện đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn được Bộ GD-ĐT quy định trong Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học, nhà trường được tổ chức các hoạt động củng cố để HS hoàn thành nội dung học tập, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của HS; các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương…; hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực HS theo mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 đặt ra, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, giáo dục toàn diện HS.
Tại TP HCM, căn cứ theo Đề án dạy học ngoại ngữ, tin học của UBND thành phố và các công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về giáo dục STEM, kỹ năng sống, giáo dục kỹ năng công dân số, chương trình nhà trường ở bậc tiểu học năm học 2024-2025 bao gồm: Tổ chức dạy học ngoại ngữ (gồm dạy học ngoại ngữ tăng cường, dạy giao tiếp với người nước ngoài; dạy học ngoại ngữ qua toán và khoa học); tổ chức giáo dục STEM; tổ chức hoạt động dạy học tin học tăng cường theo chuẩn quốc tế và giáo dục kỹ năng công dân số; tổ chức rèn luyện kỹ năng sống và các loại hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Chương trình nhà trường thuộc kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, chính vì thế các trường tiểu học được chủ động xây dựng thời khóa biểu, có thể đưa các nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường vào thời khóa biểu buổi sáng hoặc buổi chiều, tùy theo điều kiện đặc thù của trường, đội ngũ giáo viên/báo cáo viên phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi HS và thuận lợi nhất cho phụ huynh đưa đón HS.
Thời khóa biểu phải bảo đảm quy định về số tiết/ngày, không gây quá tải cho HS, giáo viên.
Khi xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình nhà trường, hiệu trưởng nhà trường phải thông tin, công khai đầy đủ tới phụ huynh HS ngay từ đầu năm học; khi phụ huynh đồng thuận, nhà trường mới thiết kế thời khóa biểu khoa học, phù hợp.
. Khi triển khai nội dung trong chương trình nhà trường, Sở GD-ĐT có quy định quy trình thực hiện, cách thức triển khai và cơ chế giám sát thế nào, thưa ông?
- Sở GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình nhà trường tại các cơ sở giáo dục tiểu học và THCS, THPT. Theo đó, vào đầu năm học, hiệu trưởng tổ chức họp hội đồng trường đánh giá những thuận lợi, khó khăn và những yếu tố đặc điểm của địa phương tác động đến việc thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học tại nhà trường; điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình của nhà trường; xác định các nội dung giáo dục, hình thức tổ chức phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục để liên hệ với tổ chức, đơn vị, cá nhân, gia đình HS cùng phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục và tạo môi trường cho HS được trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; xây dựng phân phối thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục và các hoạt động giáo dục tập thể và theo nhu cầu người học. Đồng thời, công văn cũng có những hướng dẫn cụ thể về chương trình giảng dạy, hồ sơ nhân sự và công tác báo cáo.
Tài liệu, giáo trình, chương trình giảng dạy phải được Bộ GD-ĐT thẩm định hoặc Sở GD-ĐT đánh giá đạt chất lượng, có phân phối chương trình phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại trường. Tuân thủ Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan...
. Có ý kiến cho rằng trường học đang sa đà vào chương trình nhà trường. Trong khi hiệu quả, chuẩn đầu ra còn mơ hồ. Ngành GD-ĐT lại chỉ khống chế bằng quy định không vượt quá số tiết ở từng bậc học? Quan điểm của ông?
- Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, cụ thể là: Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với HS toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của HS, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho GV phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình. Chương trình giáo dục nhà trường bao gồm các yếu tố của chương trình quốc gia, đồng thời bổ sung các yếu tố giáo dục khác được xác định tại địa phương hay nhà trường…; đáp ứng yêu cầu phát triển các phẩm chất, năng lực của người học, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục...
Hiệu trưởng phải báo cáo theo định kỳ
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, thực hiện phân cấp quản lý, hiệu trưởng nhà trường xây dựng các kế hoạch tổ chức hoạt động chương trình nhà trường vào đầu năm học, kế hoạch phải báo cáo cho phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT (cấp THPT) phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện; vào cuối mỗi năm học có trách nhiệm tổ chức khảo sát về chất lượng dạy học, làm cơ sở cho việc tiếp tục trong năm học tiếp theo; định kỳ vào cuối học kỳ 1 và cuối năm có báo cáo chi tiết các hoạt động cho phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT.
Bình luận (0)