Ngày 9-3, trao đổi với báo chí về công tác chống hàng giả, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn cho biết hiện nay Nón Sơn giả chủ yếu bán ở kênh online, ít phát hiện ở các cửa hàng truyền thống như trước.
"Chúng tôi theo dõi có những tài khoản livestream bán Nón Sơn giả chỉ 90 phút đã chốt được 500 đơn hàng. Người bán hàng dùng Nón Sơn thật để làm mẫu, giới thiệu sản phẩm thật để thu hút khách hàng nhưng khi giao hàng cho khách là hàng giả" – ông Tý nói.
Cũng theo ông Tý, các vụ Nón Sơn phối hợp với cơ quan chức năng xử lý đều bị xử lý hình sự do sản phẩm bị bắt là hàng giả, không phải hàng nhái như trước đây. Công ty có đội ngũ theo dõi các tổ chức, cá nhân kinh doanh Nón Sơn giả trên thị trường để báo cáo với lực lượng chức năng xử lý.
"Các sản phẩm rất giống Nón Sơn thật để người tiêu dùng khó phát hiện và bán với mức giá khoảng 180.000 – 200.000 đồng/sản phẩm với mũ bảo hiểm – là mức siêu lợi nhuận vì những sản phẩm này dùng nguyên liệu kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng" – ông Tý bày tỏ.
Nón Sơn giả bị vỡ khi chịu lực mạnh
Thử nghiệm chịu lực 7 kg với Nón Sơn thật
Tại đây, các nhân viên công ty Nón Sơn đã thực nghiệm độ chịu lực của 2 sản phẩm thật – giả. Theo đó, các mẫu mũ bảo hiểm giả thương hiệu Nón Sơn đã vỡ toác khi thả quả cầu 5 kg từ trên cao khoảng 2 mét xuống. Trong khi đó, sản phẩm thật vẫn chắc chắn khi thử nghiệm tương tự với quả cầu 7 kg.
Để phân biệt Nón Sơn thật – giả, người tiêu dùng có thể quét mã QR, sản phẩm thật sẽ đưa đến trang chủ của website Nón Sơn. Người tiêu dùng cũng có thể dùng 1 miếng nam châm để kiểm tra: với nón thật sẽ không bị hút do nguyên liệu dùng bằng đồng và các chất chống rỉ sét trong khi nón giả dùng nguyên liệu sắt nên hút nam châm.
Mỗi năm, thương hiệu Nón Sơn phối hợp với cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả Nón Sơn trên nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tiêu biểu có vụ việc số lượng tang vật lên đến hơn 30.000 sản phẩm, trị giá 38 tỉ đồng.
Bình luận (0)