Theo Sci-News, loài quái vật mới Haliskia peterseni được xác định nhờ hóa thạch lộ ra ở khu vực ngày nay là Queensland, phía Đông Bắc nước Úc.
Nó là một loài bò sát bay khổng lồ, có mào trước hàm và hàm răng cong, sống vào khoảng 100 triệu năm về trước. Sải cánh của nó lên tới 4,6 m, tức khoảng gấp đôi một con đại bàng lớn thời hiện đại.
Theo nhà cổ sinh vật học Adele Pentland từ Đại học Curtin (Úc), trưởng nhóm nghiên cứu, Haliskia peterseni có lẽ là một trong những loài đáng sợ nhất vào thời kỳ nó sinh sống.
Giai đoạn đó, phần lớn khu vực Trung Tây bang Queensland chìm dưới nước, được bao phủ bởi một vùng biển nội địa rộng lớn.
Dấu tích hóa thạch của Haliskia peterseni được ông Kevin Petersen, người phụ trách Bảo tàng Kronosaurus Korner, tìm thấy vào tháng 11 năm 2021 tại Hệ tầng Toolebuc của Lưu vực Eromanga.
Mẫu vật có độ hoàn thiện 22%, hoàn thiện hơn gấp đôi so với bộ xương thằn lằn bay trước đó từng được tìm thấy ở Úc. Haliskia peterseni là loài quái vật bay thứ hai của thời đại khủng long được tìm thấy trên khắp đất nước này.
“Mẫu vật bao gồm toàn bộ hàm dưới, chóp hàm trên, 43 chiếc răng, đốt sống, xương sườn, xương từ cả hai cánh và một phần của chân” - bài công bố trên Scientific Reports cho biết.
Loài mới này cũng được xác định là thuộc chi Anhanguera, một chi pterosaur (dực long) sống vào thế Phấn Trắng sớm, cách đây khoảng 145 đến 100 triệu năm.
Chi này được đặc trưng bởi đôi cánh dài, hẹp, hộp sọ thon dài và hàm răng sắc nhọn. Anhanguera là những kẻ bay lượn điêu luyện và được cho là ăn thịt, săn cá để sinh tồn.
Còn nhóm quái vật bay gọi là dực long mà quái vật mới này cũng như tất cả Anhanguera thuộc về có thể được xem như phiên bản biết bay của khủng long. Chúng hùng cứ bầu trời, nhưng vẫn là bò sát.
Các loài dực long xuất hiện từ thế Tam Điệp muộn của kỷ Tam Điệp (khoảng 220 triệu năm về trước) và biến mất khỏi hành tinh vào cuối kỷ Phấn Trắng (66 triệu năm trước), khi tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái Đất và gây biến đổi khí hậu khắc nghiệt.
Bình luận (0)