Tại đảo Mallorca của Tây Ban Nha, các nhà khoa học đã tìm thấy bộ hàm và nhiều phần xương khác của một con quái vật săn mồi từng gieo rắc kinh hoàng rất lâu trước khi khủng long ra đời.
Loài mới, vẫn chưa có tên, là đại diện lâu đời nhất của nhóm động vật cổ xưa đã tuyệt chủng Therapsid. Động vật có vú ngày nay, bao gồm cả chúng ta, có nguồn gốc từ nhóm này.
Mô tả con quái vật trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu quốc tế cho biết đó là một sinh vật có vẻ ngoài "giống chó một cách mơ hồ" và có hàm răng kiếm dữ tợn.
Chúng được xác định thuộc về một nhóm Therapsid nhỏ hơn gọi là Gorgonopsian, có quan hệ họ hàng gần gũi hơn với động vật có vú.
"Chúng không có hậu duệ hiện đại nào; và mặc dù chúng không phải là tổ tiên trực tiếp của chúng ta, nhưng chúng có quan hệ họ hàng với các loài là tổ tiên trực tiếp của chúng ta" - đồng tác giả Ken Angielczyk từ Trung tâm Nghiên cứu tích hợp thuộc Bảo tàng Field (Mỹ) giải thích.
Do vậy, chúng là mảnh ghép quan trọng để bổ sung vào dòng thời gian của chính chúng ta trên địa cầu, khi mà các loài tổ tiên còn chung sống với các nhóm họ hàng cổ đại.
Cho đến nay, loài Gorgonopsian cổ nhất được biết đến đã sống cách đây khoảng 265 triệu năm. Tuy nhiên, hóa thạch mới có niên đại từ 270-280 triệu năm trước, tức thuộc kỷ Nhị Điệp của đại Cổ Sinh.
Vì vậy, rất có thể nó là đại diện cổ xưa nhất của nhóm quái vật này, theo tác giả chính Josep Fortuny từ Viện Cổ sinh vật học Catalan Miquel Crusafont (ICP - Tây Ban Nha).
Các phần xương của con quái vật được bảo quản tốt ngoài mong đợi, giúp các nhà khoa học hình dung sơ bộ về nó cũng như cách nó tương tác với môi trường xung quanh khi còn sống.
Mặc dù chỉ to cỡ một con husky ngày nay, nhưng con quái vật này thực sự là chúa tể, là loài săn mồi đỉnh cao vào thời kỳ mà thế giới động vật Trái Đất còn sơ khai hơn nhiều so với ngày nay, cũng như vắng bóng các con khủng long ngoại cỡ.
Bình luận (0)