Nhóm nghiên cứu từ Đại học Jagiellonian (Ba Lan) và Trung tâm Nghiên cứu không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan chỉ ra rằng những mảng địa y trên địa cầu có thể phản ánh chân dung của sinh vật ngoài hành tinh đã hoặc đang sống trên Sao Hỏa.
Địa y là một dạng cộng sinh giữa nấm và một loại sinh vật có thể quang hợp như tảo hoặc vi khuẩn lam.
Chúng sống ở nhiều hệ sinh thái khác nhau trên Trái Đất và được gọi là sinh vật ưa cực, có khả năng sống sót trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, bức xạ mạnh và tình trạng thiếu nước kéo dài.

Hình ảnh cận cho thấy cấu trúc của một số loại địa y trên Trái Đất - Ảnh: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC BA LAN
Theo Sci-News, các khả năng đặc biệt nói trên đã đưa đến giả thuyết rằng địa y rất thích hợp để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt của các thế giới ngoài hành tinh.
Chiến lược sống thành công của địa y phụ thuộc vào mối quan hệ cộng sinh, cho phép chúng xâm chiếm các môi trường sống trên cạn khắc nghiệt mà không có sinh vật đa bào nào khác có thể sống sót.
Để có sức chịu đựng căng thẳng, chúng cần có tỉ lệ trao đổi chất thấp, nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu và tuổi thọ kéo dài; đồng thời khả năng sàng lọc bức xạ, tản nhiệt và chống oxy hóa phải tốt.
Hơn nữa, chúng có thể ứng phó với tình trạng thiếu nước kéo dài hoặc thậm chí là không có nước hoàn toàn.
Trong khi đó, Sao Hỏa là mối quan tâm lớn của ngành sinh học vũ trụ do sự hiện diện của nước và tiềm năng tồn tại sự sống. Cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới là NASA đã gửi rất nhiều tàu vũ trụ săn sự sống đến hành tinh đỏ.
Điều kiện khí quyển hiện tại trên Sao Hỏa không phù hợp cho sự sống. Tuy vậy, có thể nó đang ẩn giấu một môi trường tốt hơn bên dưới.
Ngoài ra, có những giai đoạn mà hành tinh này trở nên dễ sống hơn trong quá khứ.
Nhưng có một cản trở lớn: Nhiều nhà khoa học tin rằng bức xạ ion hóa là rào cản không thể vượt qua đối với sự sống trên Sao Hỏa.
Điều này luôn tồn tại, bởi bức xạ này đến từ Mặt Trời.
Trong thí nghiệm, các tác giả đã cho nấm Diploschistes muscorum trong các mảng địa y tiếp xúc với điều kiện giống Sao Hỏa trong 5 giờ để mô phỏng thành phần khí quyển, áp suất, biến động nhiệt độ và bức xạ tia X của hành tinh này.
Kết quả công bố trên tạp chí khoa học IMA Fungus cho biết chúng vẫn sống khỏe, vẫn duy trì hoạt động trao đổi chất mạnh mẽ.
Nếu tồn tại trên Sao Hỏa, kể cả khi bức xạ tia X đạt cực đại như năm nay - do hoạt động Mặt Trời đạt đỉnh của chu kỳ 11 năm, địa y - hay ít nhất là phần nấm của nó - sẽ không bị tổn hại.
"Nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu sâu hơn về khả năng thích nghi của địa y và tiềm năng xâm chiếm môi trường ngoài Trái Đất của chúng” - các tác giả kết luận.
Bình luận (0)