Tại thông báo kết luận thanh tra quản lý đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của tỉnh Khánh Hoà và các cơ quan liên quan trong phát triển điện mặt trời tại địa phương này.
Theo TTCP, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 được UBND tỉnh lập, Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2953/QĐ-BCT ngày 31/7/2017, theo đó giai đoạn quy hoạch dài hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh là không phù hợp quy định.
Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Khánh Hòa không được UBND tỉnh Khánh Hòa lập, trình Bộ Công Thương phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Công Thương.
Cũng theo cơ quan thanh tra, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Giang, công suất 40 MWp vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035, vận hành năm 2019.
Đáng chú ý, trong quá trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định đã không tiếp thu ý kiến tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng không nêu rõ lý do là thực hiện không đầy đủ. Đến thời điểm thanh tra dự án vẫn đấu nối tạm, chưa chuyển về phương án đấu nối chính theo phê duyệt của Bộ Công Thương. "Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương"- kết luận thanh tra nêu rõ.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy mô công suất Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Giang từ 40 MWp lên 50 MWp, nhưng không tổ chức thẩm định là không thực hiện đúng quy định.
TTCP phát hiện UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành 3 quyết định chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời khi các dự án này không có trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa được Bộ Công Thương phê duyệt.
Tuy nhiên, 3 dự án này đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực tỉnh Khánh Hòa. Sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch của Bộ Công Thương, cả 3 dự án đều hoàn thành đầu tư, xây dựng, đi vào vận hành và phát huy hiệu quả.
Chủ đầu tư dự án điện mặt trời không đủ năng lực tài chính
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thuộc UBND tỉnh thẩm định hồ sơ năng lực nhà đầu tư không đúng quy định đối với dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Sơn 30 MW. Cụ thể, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Sơn 30 MW không đảm bảo năng lực tài chính và hồ sơ dự án không đúng quy định. Đồng thời, chủ đầu tư dự án không đủ năng lực tài chính để được thuê đất.
Đối với Dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Giang, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa đánh giá năng lực tài chính, đánh giá vốn chủ sở hữu Công ty cổ phần Điện mặt trời Sông Giang là doanh nghiệp mới thành lập nên chưa có báo cáo tài chính nhưng có số dư tiền gửi tại ngân hàng ở thời điểm 9-1-2018 là 122,436 tỉ đồng (khoảng 6% so với tổng mức đầu tư dự án), không đủ vốn của chủ sở hữu theo quy định. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.
UBND tỉnh Khánh Hòa năm 2018 đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Quang điện mặt trời 60 MW vượt khoảng 27 MW so với công suất được Bộ Công Thương phê duyệt.
Đối với việc cho thuê đất đối với một số dự án điện mặt trời, TTCP phát hiện nhà máy điện mặt trời miền Trung (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung) đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và được Công ty Mua bán điện thống nhất ngày vận hành thương mại phần còn lại của Nhà máy trước khi Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa ký Biên bản bàn giao 213.709 m2 đất đợt 2 và trước khi UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định cho thuê đất. Về việc này, tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh các cơ quan để khắc phục các tồn tại.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục khuyết điểm, vi phạm.
Bộ Công Thương, các cơ quan có liên quan thuộc Bộ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm; khẩn trương khắc phục những khuyết điểm, vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)