Tại Điều 16 của dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất phạt tiền từ 50 triệu đến 80 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.
Phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá nhằm trục lợi.
Theo Bộ Tài chính, phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ, gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi gian lận, thông đồng về giá bằng cách thay đổi nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian; địa điểm; điều kiện mua, bán; chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ.
Bán hàng tăng giá so với niêm yết sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng
Tại Điều 14 dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)