xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lời giải cho bài toán phát triển kinh tế và bảo tồn di sản Huế

QUANG NHẬT

TP Huế trực thuộc trung ương sẽ mở ra cơ hội và thách thức cho địa phương trong quản lý đô thị di sản

Từ ngày 1-1-2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ là thành phố thứ 6 trực thuộc trung ương với tên gọi là TP Huế. Đây là thành phố trực thuộc trung ương đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản để phát triển theo mô hình "đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh".

Cơ hội khẳng định thương hiệu

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định đây là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

Quần thể di tích cố đô Huế đứng trước cơ hội phát huy giá trị khi Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ươngẢnh: ĐÌNH HOÀNG

Quần thể di tích cố đô Huế đứng trước cơ hội phát huy giá trị khi Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.Ảnh: ĐÌNH HOÀNG

Trong tờ trình về Đề án thành lập TP Huế trực thuộc trung ương của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vào cuối tháng 10-2024, khẳng định việc thành lập TP Huế sẽ có nhiều tác động tích cực đến kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương này.

Trong đó, sẽ thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; là động lực để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á và thế giới về văn hóa, du lịch lịch sử, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Festival Huế - đặc sản của Huế - sẽ tiếp tục thu hút du khách trong thời gian tới  Ảnh: ĐÌNH HOÀNG

Festival Huế - đặc sản của Huế - sẽ tiếp tục thu hút du khách trong thời gian tới .Ảnh: ĐÌNH HOÀNG

Đồng thời, tạo điều kiện cho Huế khai thác hết tiềm năng, thế mạnh cho phát triển bền vững; bảo vệ, giữ gìn được quần thể di tích di sản có quy mô lớn nhất, mang tính toàn vẹn, điển hình nhất của đất nước; góp phần giữ gìn, củng cố bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập toàn cầu và nâng cao giá trị, sức thu hút của ''điểm đến đặc sắc Việt Nam'' trên bản đồ thế giới.

Theo TS-KTS Nguyễn Vũ Minh và PGS-TS Nguyễn Văn Mạnh (Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế), đây là một cơ hội đặc biệt cho Huế thực hiện có hiệu quả việc quản lý, bảo tồn và phát huy di sản đô thị. Theo đó, di sản văn hóa sẽ được vận dụng vào phát triển kinh tế - xã hội rồi từ đó, nguồn thu kinh tế từ di sản sẽ quay lại góp phần quản lý, phục hồi, bảo tồn giá trị di sản tốt hơn.

Cần cơ chế đặc thù

TS-KTS Nguyễn Vũ Minh và PGS-TS Nguyễn Văn Mạnh cho rằng xu thế toàn cầu hóa, hiện đại hóa đã tác động tiêu cực lên việc quản lý, bảo tồn di sản. Việc mở rộng công nghiệp hóa lối sống đô thị chắc chắn sẽ ảnh hưởng việc quản lý diện tích vành đai bảo vệ di sản. Từ đó sẽ diễn ra các hiện tượng thu hẹp di sản, biến dạng di sản vì những mục đích mưu sinh của người dân.

Vì vậy, đô thị di sản phải lấy mục tiêu bảo tồn di sản là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiệm vụ này ít nhiều ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toán không dễ có lời giải cho các vùng miền ở nước ta và các quốc gia trên thế giới. "Nếu chỉ chăm lo mục tiêu bảo tồn sẽ ảnh hưởng và làm hạn chế sự phát triển kinh tế. Ngược lại, quá nặng về phát triển kinh tế tất sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn di sản. Bài toán cho lời giải này là một thách thức đối với việc quản lý, bảo tồn và phát huy đô thị di sản Huế" - ông Minh nêu vấn đề.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng đưa ra những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Trong đó có việc bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi của văn hóa Huế, di sản Huế là các hệ giá trị văn hóa - con người Huế đang gặp rất nhiều thử thách. Vì vậy, theo ông Hải, cần tiếp tục đẩy mạnh đề án nghiên cứu để xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hóa Huế - con người Huế phù hợp với bối cảnh mới. Thiết lập các quy định bảo tồn, phát huy giá trị di tích và các quy định phát triển kinh tế - xã hội.

TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng về mặt nhà nước, Huế cần được ứng xử bằng những nguyên tắc và quy chế riêng. Việc xác lập cho Huế có những cơ chế đặc thù riêng là vấn đề vô cùng cần thiết, điều đó bảo đảm đô thị di sản với hệ thống các giá trị được giữ gìn và phát huy; tạo tiền đề cho một chiến lược phát triển kinh tế tương xứng với vị thế của mình.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định đối với công tác bảo tồn di sản, địa phương sẽ tập trung đầu tư một số công trình dự án trùng tu, bảo tồn di tích cố đô Huế, di tích xuống cấp nghiêm trọng. Đồng thời, tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế và chuyên gia để áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến. Chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhằm thu hút khách du lịch mà không làm tổn hại đến các di sản.

Các chương trình giáo dục cộng đồng về bảo tồn văn hóa đã được triển khai và tiếp tục tăng cường nhằm nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của di sản và cách thức bảo tồn. Nhờ các giải pháp này, Huế sẽ không chỉ bảo tồn được giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra một mô hình phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống.

"Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi mới cho những nhà đầu tư tham gia các dự án, đặc biệt là lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa. Điều này không chỉ thu hút đầu tư mà còn bảo đảm các dự án được triển khai một cách hợp lý" - ông Phương cho biết. 

Lời giải cho bài toán phát triển kinh tế và bảo tồn di sản Huế- Ảnh 3.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo