Lối sống xanh, tiêu dùng bền vững đã không còn là những khái niệm xa lạ, mà đang dần phổ biến hơn trong đời sống hàng ngày. Lối sống này càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19 làm "náo loạn" toàn thế giới.
Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu tại châu Á trong phong trào hướng tới lối sống xanh, tiêu dùng bền vững, hướng tới bảo vệ môi trường. Năm 1990, các quy định liên quan tới chương trình phát triển xanh lần đầu tiên được chính phủ ban hành.
11 năm sau (năm 2001), chính phủ chính thức thông qua luật thúc đẩy mua sắm xanh, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chính sách về mua sắm xanh.
Đến với Kamikatsu trên đảo Shikoku (Nhật Bản), du khách như được bước vào một thế giới không rác thải. Mỗi ngày, 1.500 hộ dân tại làng đều phân loại rác thành 45 loại. Người dân cũng tích cực tái chế rác thải để tái sử dụng. Rất ít không tái chế được chế biến thành phân bón hoặc sử dụng cho mục đích khác.
Ở Hàn Quốc, chính phủ cũng đã hợp tác với các công ty thẻ tín dụng để cho ra mắt thẻ tín dụng xanh (The Green Credit Card). Đây là một hệ thống khuyến khích những người dân có ý thức tiêu dùng xanh, là phương tiện để tích lũy và sử dụng điểm sinh thái khi khách hàng chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày.
Một bộ phận người dân Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng này.
Anh N.Đ.L. (20 tuổi, sinh sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã theo đuổi lối sống xanh từ nhiều năm nay. Anh thường tái chế vỏ hộp sữa sau khi sử dụng xong thành chậu trồng cây hay hộp bút… Tương tự, với những vỏ cốc trà sữa, cà phê, N.Đ.L. sử dụng để làm cốc uống nước, lọ đựng đồ khô. Thậm chí, những tháng gần đây, anh tự "trang bị" một chiếc bình giữ nhiệt để mua cà phê, thay vì sử dụng cốc nhựa của quán.
Trong khi đó, với chị V.T.H.H. (32 tuổi, sinh sống tại Hà Đông, Hà Nội), tiêu dùng bền vững, hướng tới các sản phẩm hữu cơ đã trở thành thói quen của gia đình chị. Chị H. cho hay, tất cả các sản phẩm tiêu dùng trong gia đình từ dầu gội, sữa tắm đến đồ ăn, chị đều ưu tiên sử dụng các sản phẩm dán nhãn hữu cơ.
Chị H. nói: "Chuyển hướng sang tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ giúp tôi thấy yên tâm hơn về sức khỏe của các thành viên trong gia đình".
Còn câu "cửa miệng" của chị V.T.T.N. (33 tuổi, sinh sống tại Thái Bình) là "cái gì xanh được thì mình xanh". Theo lời kể của chị N, gia đình chị thường xuyên tái chế dùng đồ nhựa một lần, trồng thêm cây xanh nếu có thể, tiết kiệm điện nước, sử dụng giỏ bằng tre nứa để đi chợ thay vì túi nilong…
Chị N. cho biết: "Những thông tin về vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ở khắp mọi nơi trên thế giới khiến tôi không khỏi lo lắng. Theo tôi, mỗi người dân phải tự giác hành động, chung tay bảo vệ môi trường sống".
Không chỉ người dân Việt Nam đang "chuyển mình", "hòa nhịp" cùng lối sống xanh, xu hướng tiêu dùng bền vững, tại các địa phương, lối sống xanh được lan tỏa rộng khắp.
Đơn cử như tại Huế, các cấp hội, đoàn triển khai các hoạt động thành lập tổ đội thu gom ve chai, phế liệu; đổi rác thải nhựa lấy quà; tham gia vệ sinh môi trường, bảo vệ các dòng sông, hói trong xanh; ủ rác thải làm phân vi sinh, trồng rau hữu cơ...
Theo nghiên cứu Consumer Outlook and Expectation 2024 tại Việt Nam từ Công ty trí tuệ người tiêu dùng NIQ cho thấy 16% người tiêu dùng đã coi tương lai bền vững là một trong những yếu tố quan trọng trong lối sống và các quyết định tiêu dùng của họ trong các ưu tiên dài hạn.
Về ngắn hạn, theo nghiên cứu, 24% người tiêu dùng chú trọng đến lối sống bền vững. Trong đó, 82% người tiêu dùng tập trung cải thiện sức khỏe thể chất và hạnh phúc, cho thấy người tiêu dùng quan tâm lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ có lợi cho sức khỏe và môi trường.
Trong tương lai, lối sống xanh và xu hướng tiêu dùng bền vững được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Điều này thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng, xã hội, nhằm góp phần nhỏ bé để bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Bình luận (0)