CLIP: Cảnh ngập lụt kinh hoàng tại Lệ Thủy nhìn từ trên cao - nguồn Chiến Phúc
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 19 giờ hôm nay (28-10), bão số 6 (bão Trami) đã gây ra mưa lớn kéo dài, khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng ngập lụt, chia cắt nghiêm trọng.
Thống kê sơ bộ cho thấy đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình đã ghi nhận gần 30.000 nhà dân bị ngập lụt với mực nước từ 50cm đến 2m, có nơi ngập sâu hơn 2m.
Huyện Lệ Thủy là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 15.801 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, huyện Quảng Ninh có gần 11.540 ngôi nhà và thành phố Đồng Hới có khoảng 1.000 ngôi nhà bị nước lũ tràn vào.
Trong đó, thị trấn Kiến Giang có 1.800 nhà, Phong Thủy 1.800 nhà, Liên Thủy 2.000 nhà, Mỹ Thủy 1.260 nhà, và nhiều xã khác như An Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Xuân Thủy, Hồng Thủy... của huyện Lệ Thủy bị ngập sâu trong nước.
Bà Trần Thị Mai, một người dân xã Phong Thủy, kể: "Đêm qua, cả gia đình phải thức trắng trên gác. Nước vào nhà quá nhanh, đến sáng thì không còn lối ra. Chúng tôi chỉ còn cách cầu cứu qua điện thoại để người xung quanh và lực lượng chức năng đến cung cấp lương thực, nước uống".
Bước đầu ghi nhận thiệt hại do mưa lũ gây ra: 1 người dân ở xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy chết khi đang đi làm nhiệm vụ cứu hộ; 1 người dân ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh bị cuốn trôi mất tích. Ngoài ra nhiều tuyến đường, kè biển bị sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng; 3 tàu cá của ngư dân bị chìm (Bố Trạch 1 tàu và TP Đồng Hới 2 tàu); hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng hư hại…
Huyện Quảng Ninh có tổng 11.540 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi lũ. Tại xã Tân Ninh, 1.842 ngôi nhà ngập trong nước, trong khi các xã Hiền Ninh, Võ Ninh, Duy Ninh... cũng ghi nhận từ 1.000 đến hơn 1.500 nhà bị ngập nặng.
Thành phố Đồng Hới có khoảng 1.000 hộ dân bị ngập lụt, tập trung chủ yếu tại phường Đức Ninh Đông, Đồng Hải, Phú Hải… và các khu vực khác như Đồng Phú, Đức Ninh, Nghĩa Ninh.
Trước tình hình ngập lụt diễn biến phức tạp, chính quyền các địa phương đã tổ chức sơ tán 1.205 hộ dân người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Các sông lớn như sông Kiến Giang và sông Long Đại đang dâng cao, đã vượt mức báo động 3, khiến nhiều khu vực vùng trũng rơi vào tình trạng chia cắt. Nước lũ không ngừng dâng cao, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng.
Trước tình hình phức tạp, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã triển khai hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện cứu hộ, cứu nạn đến các khu vực bị ngập sâu để hỗ trợ người dân.
Tối 28-10, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết: "Hiện chúng tôi đang dồn toàn lực để ứng phó với lũ. Đã có những đợt cứu trợ ban đầu nhưng tình hình rất khó khăn vì nước lên quá nhanh. Chúng tôi ưu tiên sơ tán những khu vực nguy hiểm nhất trước mắt và tập trung lực lượng cấp phát lương thực, nước uống cho bà con."
Người dân địa phương cùng chính quyền 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy đang theo dõi sát sao diễn biến của lũ và mưa lớn. Dự báo nếu mưa không giảm trong tối nay, trận lũ này có khả năng sẽ vượt qua đỉnh lũ lịch sử hồi tháng 10-2020.
Xin tạm dừng cứu hộ để an toàn
Ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết trong ngày 28-10, một số nhóm cứu hộ ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… đã liên hệ với chính quyền để được tham gia hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn. Huyện gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhóm, nhưng hiện tại nước lũ ở các khu dân cư đang ở mức cao, những nhóm cứu hộ từ xa đến thường không quen con nước và địa hình nơi này. Việc xuồng, cano của các đội cứu hộ vào sẽ mất an toàn cho chính họ. Bởi vậy xin tạm dừng việc cứu hộ của các nhóm để đảm bảo an toàn.
Bình luận (0)