Vừa qua, chị Ngọc Thu (SN 1978, ngụ TP HCM) bị lừa đảo với số tiền chỉ 280.000 đồng, với chiêu thức rất tinh vi. Nhiều người cũng bị lừa giống chị Thu vì thói quen mua hàng trên mạng.
Đỉnh cao của lừa vặt
"Tôi đang làm việc thì giọng một người đàn ông gọi điện thoại nói rằng tôi có một đơn hàng 280.000 đồng được gửi đến chung cư của tôi. Hỏi hàng gì và ở đâu gửi thì đầu dây bên kia nói chưa đọc thông tin, đồng thời yêu cầu tôi xuống nhận hàng. Tôi nói đang ở cơ quan thì người kia nhắn cho tôi số tài khoản mang tên Cao Văn Tân. Do thường xuyên mua hàng online nên tôi đã chuyển tiền cho anh ta" - chị Ngọc Thu cho biết.
Khi nhận được tiền của chị Thu, người đàn ông gọi lại với giọng hốt hoảng: "Xin lỗi chị, số tài khoản chị vừa gửi là bên công ty bảo hiểm. Em gửi đường link facebook công ty, chị bấm hủy giúp em, nếu không chị sẽ bị trừ 40 triệu đồng". Nghe đến đây, chị Thu biết mình bị lừa.
Thường tham gia các chương trình từ thiện, chị Lê Ni Na (SN 1990, ngụ TP Thủ Đức) bằng cách gửi tiền ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn. Một lần thấy cháu bé bị bệnh nan y, chị Na mủi lòng chuyển 500.000 đồng vào số tài khoản được cho là của mẹ cháu. Sau đó một tuần, thấy trường hợp khác là một phụ nữ qua đời nhưng không có tiền làm đám tang, chị Na lại chuyển tiền giúp đỡ. Lần thứ 3 là một trường hợp học sinh gặp nạn trên đường đi học, khi chị vừa nhập số tài khoản thì hiện ra tên người thụ hưởng như 2 lần trước. "Lúc này tôi dùng các công cụ tìm kiếm gõ số điện thoại, số tài khoản thì hiện tên một người. Tuy nhiên, mỗi bài đăng là một trường hợp thương tâm khác nhau. Qua trao đổi thì rất nhiều người cũng bị lừa giống tôi. Do không có thời gian nên tôi cũng không trình báo công an" - chị Na ngao ngán.
Một chiêu lừa khác cũng khiến nhiều người bức xúc đó là nhiều người làm ăn thua lỗ, nhắn tin mượn tiền người thân, bạn bè nhưng sau đó kêu tài khoản bị hack, bị lừa. "Khi nhận được tin nhắn từ một người bạn mượn 2 triệu đồng, tôi check đúng số tài khoản, đúng tên tuổi nên chuyển khoản. Lâu không thấy bạn trả tiền tôi gọi điện đòi thì bạn nói tài khoản bị hack. Tôi mang câu chuyện của mình kể lại cho một số người bạn khác nghe thì cả nhóm bạn lắc đầu kêu tôi bị lừa… Kinh nghiệm rút ra là mượn tiền thì phải gặp mặt để dễ nói chuyện" - anh Ngọc Điệp (SN 1995, ngụ quận 8) chia sẻ câu chuyện của mình.
Làm gì để "né'?
Công an TP HCM khuyến cáo người dân cảnh giác với tất cả cuộc gọi từ người lạ. "Nhiều người dù rất hiểu biết các hình thức lừa đảo nhưng khi mất một vài trăm ngàn đã làm theo những yêu cầu của kẻ gian với mong muốn lấy lại số tiền đã mất. Tuy nhiên, một khi đã làm theo yêu cầu thì rất dễ bị sập bẫy. Kẻ gian sẽ yêu cầu nhấp vào đường link, cài đặt ứng dụng trên điện thoại hoặc yêu cầu nhập mật khẩu để đăng nhập mail, Facebook. Tuy nhiên, khi làm theo yêu cầu thì các thiết bị điện thoại, máy tính của nạn nhân sẽ bị nhiễm mã độc từ đó tạo điều kiện cho các băng nhóm lừa đảo xâm nhập tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tài sản" - Công an TP HCM thông tin.
Nắm bắt được xu hướng mua sắm online, nhiều đối tượng đã nghĩ ra những chiêu lừa khiến người khác không nghĩ tới. Chị Thu Hằng (SN 1980, ngụ huyện Hóc Môn) kể câu chuyện con trai chị bị lừa 150.000 đồng. Con chị lên mạng đặt một chiếc áo với giá 150.000 đồng. Khi khui hàng thì tá hỏa bên trong chỉ là một chiếc áo cũ của người già. "Con tôi định gọi điện hỏi shop có gửi lộn hàng hay không thì đã bị chặn số điện thoại và Facebook" - chị Hằng cho biết.
Khi được người dân gọi điện xác minh một trẻ cần tiền chữa bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã kiểm tra và phát hiện đó là lừa đảo. "Kẻ gian đã sử dụng giấy chứng nhận với con dấu và chữ ký của bác sĩ công tác tại bệnh viện để kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ đưa con về quê an táng. Đáng chú ý, trước đó cũng với nội dung kêu gọi tương tự, chính tài khoản này cũng kêu gọi đưa con về quê an táng nhưng chuyển cho người thụ hưởng khác. Người dân khi làm việc thiện cần chú ý, xác minh kỹ và chỉ nên gửi ở những tổ chức, đơn vị có uy tín để tránh bị lừa" - Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân phải cẩn thận với cuộc gọi, với các giao dịch liên quan đến tiền bạc và không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của người lạ. Bên cạnh đó nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo phải báo ngay ngân hàng khóa tài khoản, đến cơ quan công an gần nhất để trình báo, yêu cầu can thiệp.
Thu lợi số tiền khủng
Tháng 4-2024, Công an TP Đà Nẵng đã bắt giam Lê Đình Hải (SN 1998, ngụ TP HCM) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bằng thủ đoạn kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, Hải đã nhận tổng cộng hơn 10 tỉ đồng qua 12 tài khoản ngân hàng. Tương tự, giữa tháng 5-2024, Công an tỉnh Đắk Nông đã tạm giam Vy Bảo Châu (ngụ Đồng Nai) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Châu lập Facebook và lấy hình đại diện của nhiều tổ chức từ thiện xã hội kêu gọi ủng hộ những mảnh đời bất hạnh. Có 700 người đã chuyển khoản cho Châu tổng cộng 400 triệu đồng.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!