
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TPHCM, trả lời:
Do công ty không thực hiện đúng quy định pháp luật về việc phải tiến hành thủ tục để bạn được tham gia BHXH bắt buộc kể từ thời điểm bắt đầu làm việc chính thức nên bạn có quyền yêu cầu công ty phải tiến hành thủ tục để được tham gia BHXH và truy đóng số tiền BHXH bắt buộc kể từ thời điểm bắt đầu làm việc chính thức cho đến thời điểm nghỉ việc.
Ngoài ra, bạn cũng có quyền yêu cầu công ty phải truy đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kể từ ngày 1-1-2009 cho đến khi nghỉ việc nếu trong khoảng thời gian này, công ty và bạn thuộc đối tượng phải tham gia BHTN theo quy định của pháp luật.
Ngoài quyền lợi về BHXH, BHTN, do bạn nghỉ việc sau khi đã báo trước 45 ngày làm việc, bạn cũng có quyền yêu cầu công ty phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật lao động, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương (nếu có).
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, gồm: tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).
Lưu ý: Nếu có khoảng thời gian tham gia BHTN thì khoảng thời gian này sẽ không được tính vào thời gian để tính trợ cấp thôi việc.
Trường hợp công ty không chịu giải quyết các quyền lợi về BHXH và BHTN như đã nêu trên thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu hòa giải đến hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động cấp huyện (nếu công ty không có hội đồng hòa giải lao động cơ sở) để được hòa giải.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nộp đơn yêu cầu hòa giải mà không được hòa giải hoặc đã được hòa giải nhưng không đồng ý với kết quả hòa giải, bạn có quyền khởi kiện công ty đến TAND cấp huyện nơi công ty có trụ sở để được can thiệp, bảo vệ quyền lợi.
Bạn đọc có thể gửi câu hỏi thắc mắc về pháp luật lao động theo địa chỉ: Chuyên mục “Tư vấn pháp luật lao động”, 14 Cách Mạng Tháng Tám Q.1 TPHCM hoặc e-mail: phapluatlaodong@nld.com.vn, congdoan@nld.com.vn. |
Bình luận (0)