Tối 26-5, trang facebook của Công ty TNHH J97 Entertainment (quận 1, TP HCM) công bố thông tin ca sĩ Trịnh Trần Phương Tuấn (nghệ danh Jack- J97) đã nộp đơn khởi kiện lên toà án có thẩm quyền nhằm xác định quan hệ cha con với bé T.N.U.D.
Thông tin này nhanh chóng gây "dậy sóng" trong cộng đồng mạng. Chỉ sau 1 ngày, bài đăng đã thu hút hơn 148.000 lượt bày tỏ cảm xúc. Đông đảo cư dân mạng bày tỏ sự bất ngờ trước động thái pháp lý lần đầu tiên được công bố công khai từ phía nam ca sĩ.
Trong văn bản đăng tải công khai, phía công ty quản lý Jack cho biết đã nộp đơn tố cáo diễn viên Thiên An vì tung tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sự nghiệp của nam ca sĩ.
Phía Jack cho biết có đủ bằng chứng thực hiện nghĩa vụ tài chính với bé Sol - con gái chung với Thiên An, nay anh khởi kiện để đòi lại quyền nuôi con.

Thiên An và ca sĩ Jack.
Jack - J97 đã nộp đơn đến tòa án có thẩm quyền để xác định mối quan hệ cha con với bé Trần Nguyễn Yên Đan, thực hiện quyền nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ đã được tòa án thụ lý giải quyết. Toàn bộ chi phí liên quan đến sinh hoạt, học tập của cháu bé đã được bà nội tài trợ" - phía đại diện của Jack đưa ra thông báo.
Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm, không ít ý kiến hoài nghi và tranh cãi cũng nhanh chóng nổ ra. Trong đó, những câu hỏi gây tranh cãi nhiều nhất là: Khởi kiện xác định quan hệ cha con là gì? Quyền và nghĩa vụ nuôi con sẽ được giải quyết giống như hai vợ chồng có đăng ký kết hôn - ly hôn? Vì sao đến nay J97 mới khởi kiện để xác định quan hệ cha con với bé D."...
Theo luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng Luật Lê Trung Phát, TP HCM), tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình, bao gồm cả tranh chấp liên quan đến việc xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ.
Điều này có nghĩa, nếu một đứa trẻ không có tên người cha trong giấy khai sinh, thường do cha mẹ chưa đăng ký kết hôn hoặc vì lý do cá nhân nào đó, thì người cha muốn được pháp luật công nhận mình là cha ruột của đứa trẻ cần nộp đơn lên tòa án để yêu cầu xác định quan hệ cha con. Đây là thủ tục bắt buộc để từ đó các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha và con được thiết lập.
Đáng chú ý, pháp luật không giới hạn độ tuổi của người con trong việc xác định quan hệ huyết thống này. Dù người con còn nhỏ hay đã lớn, miễn là giấy khai sinh chưa ghi tên cha thì người cha có quyền thực hiện thủ tục xác nhận cha cho con thông qua toà án.
Khi tòa án ra phán quyết xác định quan hệ cha con, thì các quyền và nghĩa vụ pháp lý sẽ phát sinh, bao gồm nghĩa vụ nuôi dưỡng, quyền thừa kế, quyền thay đổi họ tên và các quyền nhân thân khác theo Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự.
Trong quá trình khởi kiện, người cha có thể chủ động nộp kết quả xét nghiệm ADN để làm căn cứ. Nếu chưa có kết quả này, tòa án sẽ hỗ trợ thu thập chứng cứ, bao gồm việc yêu cầu xét nghiệm ADN giữa cha và con.
Trường hợp người mẹ không hợp tác, ví dụ như không đưa con đi lấy mẫu thì tòa án có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc người mẹ phải đưa con đến xét nghiệm để phục vụ quá trình giải quyết vụ án. Ngược lại, nếu người mẹ hợp tác thì quá trình xác minh sẽ diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Sau khi quan hệ cha con được xác định, người cha có thể yêu cầu thay đổi các thông tin hộ tịch cho con. Cụ thể, theo Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định 123/2015, cha mẹ có quyền yêu cầu thay đổi họ cho con dưới 18 tuổi nhưng phải có sự đồng thuận của cả hai. Nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên, thì còn cần có sự đồng ý của chính đứa trẻ.
Riêng với vấn đề giành quyền nuôi con, đây là vấn đề do cha mẹ tự thỏa thuận. Theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo (Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần), cha mẹ có quyền, nghĩa vụ nuôi con như nhau khi chưa đăng ký kết hôn. Quyền và nghĩa vụ nuôi con sẽ được giải quyết giống như hai vợ chồng có đăng ký kết hôn - ly hôn, áp dụng Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Căn cứ theo điều này thì cha, mẹ có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Hiện tại, con gái của Thiên An và Jack chưa đủ 7 tuổi nhưng lại trên 36 tháng tuổi nghĩa là Toà án sẽ xem xét điều kiện kinh tế và lối sống của người tranh chấp quyền nuôi con có đảm bảo cho đứa trẻ được phát triển toàn diện hay không?
Cháu bé từ khi sinh ra đã sống cùng mẹ. Điều kiện kinh tế có thể không bằng cha ruột bé nhưng hiện tại bé cũng đang có cuộc sống rất tốt.
"Về mặt đạo đức một người mẹ sinh con khi tuổi đời còn rất trẻ vậy mà cô ấy dám bất chấp điều tiếng một mình sinh và nuôi dưỡng con đến hôm nay thì tôi tin không vị quan toà nào đành lòng chia cắt tình mẫu tử đó. Luật pháp nghiêm minh và luật pháp phải làm cho cuộc đời đẹp hơn!" - luật sư Trần Thị Thanh Thảo.
Bình luận (0)