Chiều 8-10, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh các bộ luật này có liên quan chặt chẽ đến việc triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Đến nay Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành đầy đủ các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Địa phương vẫn lúng túng
Tuy nhiên, đến ngày 7-10, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện. Do đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cũng như đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc. "Mục tiêu cuối cùng là tăng tốc để hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết 3 luật để đáp ứng yêu cầu hết sức cấp bách, cần thiết của cuộc sống" - Phó Thủ tướng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đến nay có 13 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở theo thẩm quyền, gồm: Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, Tây Ninh, Cà Mau. 50 địa phương chưa ban hành, trong đó 10 địa phương đã hoàn thiện việc xây dựng và đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành; 40 địa phương đang trong quá trình xây dựng hoặc đang trình lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Lê Minh Ngân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu để tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền; đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp để bảo đảm cơ sở pháp lý và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, khẩn trương rà soát bảng giá đất đã ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và chuẩn bị các điều kiện để xây dựng bảng giá theo Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2026. Trong quá trình điều chỉnh phải phân tích, đánh giá tác động, có lộ trình phù hợp, tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan để bảo đảm sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối tượng chịu tác động, hạn chế phản ứng bất bình, thiếu đồng thuận trong xã hội. "Các địa phương khi tổ chức đấu giá đất phải công khai quy hoạch, điều chỉnh bảng giá đất, công khai đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường. Đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024 tại các địa phương" - Bộ TN-MT đề xuất.
Rút gọn, kế thừa chính sách cũ
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết TP HCM đã ban hành 8/14 văn bản theo thẩm quyền, trong đó có các văn bản quan trọng gắn với bảng giá cho nhà ở, công trình, vật tư, kiến trúc trong quá trình bồi thường, công tác hỗ trợ tái định cư. Trong 6 văn bản còn lại, có 5 văn bản thuộc thẩm quyền của UBND TP đang được lấy ý kiến, phấn đấu ngay sau ngày 15-10 sẽ ban hành; 1 văn bản thuộc thẩm quyền HĐND thành phố về các tiêu chí quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất, cũng đang hoàn thiện và sẽ đăng ký để trong kỳ họp HĐND sớm nhất ban hành văn bản này.
Về 9 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở thuộc thẩm quyền của TP HCM, dự kiến ban hành chậm nhất vào ngày 20-10. Với Luật Kinh doanh BĐS, thành phố đang lấy ý kiến Bộ Tư pháp để hướng dẫn đối với nội dung đất có hạ tầng kỹ thuật trong các dự án BĐS.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS có hiệu lực trước 5 tháng là yêu cầu từ thực tiễn, hết sức cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai các cơ chế, chính sách mới tạo thuận lợi hơn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đây cũng là nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền, các đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân các địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, quá trình xây dựng các nghị định, thông tư đã có sự tham gia của các địa phương để nắm bắt được các nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn. Vì vậy, việc chậm trễ trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành 3 luật nêu trên ở địa phương phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế ở địa phương, ảnh hưởng đến lợi ích của các tổ chức cá nhân, cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Các địa phương có thể xem xét hình thức rút gọn khi ban hành những văn bản kế thừa chính sách cũ, đã được quy định trong luật; thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đối với văn bản phức tạp, ảnh hưởng, tác động lớn. Hai bộ TN-MT, Xây dựng tổng hợp các nhóm khó khăn, vướng mắc của địa phương khi xây dựng văn bản để trao đổi, tháo gỡ.
Bình luận (0)