Không xử lý, kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên đồng bộ với việc sửa đổi các quy định của pháp luật. Đây là nội dung trong văn bản mới đây của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về sửa đổi quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến chính sách dân số.

Chính sách dân số đang được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới
Trước đây, theo nhiều quy định, trong đó có Nghị quyết Trung ương năm 2017 về chính sách dân số trong tình hình mới, trường hợp sinh con thứ ba được xem là vi phạm chính sách dân số, có thể bị xem xét kỷ luật khiển trách, trừ một vài trường hợp cụ thể.
Quy định này ra đời nhằm đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, chính sách về dân số, đồng thời hạn chế sinh để tránh bùng nổ dân số.
Những năm gần đây, khi phân tích về chính sách dân số, nhiều chuyên gia cho rằng quy định này cần phải thay đổi. Việc sinh con cần được coi là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi cá nhân, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội), cho rằng định hướng "không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên" là chủ trương rất cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh Việt Nam đang có xu hướng giảm sâu, nhất là ở vùng thành thị.
Chuyên gia này đánh giá nếu được thực thi, quy định trên mang tính đột phá trong chính sách, sẽ góp phần cải thiện, ngăn đà giảm sinh hiện nay, "mở đường" cho việc sửa đổi các quy định khác, cụ thể là sửa đổi Pháp lệnh Dân số năm 2008, xây dựng Luật Dân số, tạo nên quy định đồng bộ trong hệ thống chính trị.
Theo Bộ Y tế, từ năm 1999 đến 2022, mức sinh của Việt Nam duy trì ổn định quanh mức sinh thay thế (2,1 con). Tuy nhiên, 2 năm gần đây, mức sinh giảm nhanh, từ 1,96 con/phụ nữ năm 2023 xuống 1,91 con/phụ nữ năm 2024 - mức thấp nhất trong lịch sử. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp mức sinh của Việt Nam giảm dưới mức sinh thay thế.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại cơ sở y tế
Người có trình độ học vấn dưới tiểu học có mức sinh trung bình 2,35 con, người có trình độ trên PTTH chỉ đẻ 1,98 con. Cùng đó, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nước ta đang thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn.
Số địa phương có mức sinh dưới mức sinh thay thế đang có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2019 có 22 tỉnh, năm 2023 có 27 tỉnh và năm 2024 là 32 tỉnh. TP HCM và đa số các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (từ 1,39-1,74 con/phụ nữ).
Hiện mức sinh của Việt Nam nằm trong top 5 nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á. So với mức trung bình khu vực (2,0 con/phụ nữ), Việt Nam chỉ cao hơn Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con/phụ nữ), Thái Lan và Singapore (1,0 con/phụ nữ).
Theo đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế), cuối tháng 12-2024, Bộ Y tế đã có báo cáo sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết 21 kết quả rà soát các quy định của Đảng liên quan việc xử lý vi phạm chính sách dân số, trong đó đề xuất bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm chính sách dân số không còn phù hợp. Trước mắt bãi bỏ xử lý vi phạm với quy định về số con, không xử lý kỷ luật với đảng viên sinh con thứ 3 trở lên.
Chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu trình cấp có thẩm quyền, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, ưu tiên và chú trọng đối với các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp, dân tộc ít người.
Bộ Y tế dự báo dân số Việt Nam thời kỳ 2019-2069, trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm ngày càng lớn.
Giai đoạn 2054-2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm ở cuối thời kỳ dự báo (2064-2069) là 0,18%/năm, tương đương Việt Nam giảm bình quân 200.000 người mỗi năm.
Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến cuối thời kỳ này, dân số vẫn tăng nhẹ.
Bình luận (0)