Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều bộ ngọc cốt (xương cá voi, ngư dân gọi là cá "Ông") được lưu giữ, lập đền thờ từ đời này qua đời khác. Trong số đó, lần đầu tiên phục dựng thành công 2 bộ ngọc cốt khổng lồ.
Niềm tự hào của người dân
Dẫn chúng tôi đến lăng Tân, cụ Phạm Thoại Tuyền (80 tuổi, một trong những người trông coi lăng Tân) không giấu niềm vui, tự hào khi nói về việc phục dựng 2 bộ ngọc cốt cá "Ông".
Theo lời cụ Tuyền, từ bao đời qua, người dân trên đảo đã nghe kể về 2 bộ ngọc cốt này của ngài Đồng Đình Đại Vương và Đức Ngư nhị vị tôn thần được thờ cúng hàng trăm năm ở lăng Tân. "Vậy mà đến khi bước qua cái tuổi gần đất xa trời, tôi mới tận mắt thấy ngọc cốt của các ngài" - cụ Tuyền nói.
Như rất nhiều ngư dân khác ở Lý Sơn, cụ Tuyền coi lăng thờ cá "Ông" là nơi linh thiêng bậc nhất ở đất đảo. Bởi vậy, dọc những con đường xung quanh đảo có rất nhiều lăng thờ cúng cá "Ông" được người dân lập nên. Tàu thuyền của ngư dân địa phương trước khi xuất bến ra khơi đều đem lễ vật đến lăng thờ, bày tỏ lòng thành kính xin được phù hộ cho chuyến biển thuận buồm xuôi gió.
Cụ Tuyền cho biết tục thờ cá "Ông" có lẽ ở vùng biển nào cũng có nhưng hiếm nơi nào "Ông đi tu" (chết dạt vào bờ) nhiều như ở Lý Sơn. Trong mỗi lăng thờ có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm bộ ngọc cốt. Ngoài ra, còn có rất nhiều mộ "Ông" chờ đến ngày cải táng, đem ngọc cốt vào lăng thờ tự. Người dân ở đây cũng tin rằng nơi nào có nhiều "Ông" lụy vào bờ thì nơi đó được ấm no, sung túc, công việc đánh bắt thuận buồm xuôi gió.
"Như ở lăng Tân của chúng tôi có vô số bộ ngọc cốt được người dân thờ cúng hàng trăm năm qua. Riêng 2 bộ ngọc cốt ngài Đồng Đình Đại Vương và Đức Ngư nhị vị tôn thần vừa được phục dựng đã có cách đây ít nhất 250-300 năm và thuộc dạng lớn nhất Đông Nam Á" - cụ Tuyền khẳng định.
Theo cụ Tuyền, từ thuở còn rất nhỏ, cụ đã nghe các bậc cao niên ở đảo truyền tai, kể về 2 bộ ngọc cốt này. Lúc phát hiện "Ông" lụy, rất nhiều ngư dân trên đảo tìm cách đưa vào bờ nhưng không thành. Hơn nửa ngày sau, "Ông" chết nhưng vì thời đó không có máy móc hiện đại nên người dân gặp rất nhiều khó khăn khi đưa vào bờ chôn cất.
"Phải đến khi các bô lão làm lễ cầu khấn mới biết được ngài chỉ vào bờ đúng giờ ngọ. Quả thật, đến giờ ngọ thì một con sóng lớn nổi lên đưa ngài vào cách bờ hơn 50 m. Điều kỳ lạ, tròn năm sau, một ngài khác cũng lụy vào bờ đúng vị trí ngài Đồng Đình Đại Vương lụy trước đó" - cụ Tuyền nhớ lại.
Như để minh chứng cho lời mình nói, cụ Tuyền cùng ông Bùi Thiệu (75 tuổi, chủ vạn lăng Tân) dẫn chúng tôi đến khu vực nhà trưng bày, nơi 2 bộ ngọc cốt được phục dựng. Trước mắt chúng tôi là bộ xương nặng hàng tấn được đặt trên khung sắt, mô phỏng thế cá voi đang đập mình trong đại dương.
"Bộ ngọc cốt của ngài Đồng Đình Đại Vương dài 28 m, còn của Đức Ngư nhị vị tôn thần dài 22 m, được phục dựng trên chiều cao gần 4 m. Mỗi bộ có 50 đốt xương sống, 28 xương sườn. Đường kính đốt sống lớn nhất trên 40 cm, xương đầu dài 4 m, xương ngà dài 4,7 m. Để phục dựng 2 bộ ngọc cốt này, chúng tôi phải thuê kỹ thuật viên cùng người dân thi công ròng rã 2 tháng liền" - ông Bùi Thiệu thông tin.
Theo ông Thiệu, do được lưu giữ quá lâu nên các bộ ngọc cốt ở lăng Tân bị hư hỏng nhiều chỗ. Đơn vị phục dựng phải dùng phương pháp khác nhau để xử lý, đánh bóng một số phần xương mục và tôn tạo phần đầu bằng nhựa composite.
Mở cửa cho khách tham quan
Ông Nguyễn Quốc Chinh - nguyên Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, người có gần 30 năm gắn bó với nghề biển - cho biết mỗi người dân ở Lý Sơn đều quan niệm rằng cá voi là vị thần Nam Hải, được bà con hết sức cung kính, tôn sùng.
"Thời xưa, công nghệ dự báo thời tiết không như bây giờ nên tàu thuyền ra khơi thường xuyên gặp bão. Những lúc như vậy, bà con chỉ biết cầu khấn thần Nam Hải đến cứu giúp. Rất nhiều lời cầu khấn đã thành hiện thực... Vì thế, khi công trình phục dựng 2 bộ ngọc cốt được thực hiện, người dân trên đảo ai cũng vui mừng" - ông Chinh bày tỏ.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết không chỉ ở lăng Tân, rất nhiều lăng khác còn lưu giữ, thờ cúng hàng chục bộ xương cá voi khác. Huyện đảo có diện tích tuy khá nhỏ nhưng có đến 10 lăng thờ cá voi, trong mỗi lăng có rất nhiều bộ xương cá voi đã được thờ cúng hàng trăm năm qua. Hằng năm, người dân trên đảo đều tổ chức lễ cúng một cách long trọng, tôn kính.
"Chúng tôi đã có kế hoạch mở cửa, biến khu trưng bày phục dựng 2 bộ xương cá voi ở lăng Tân trở thành điểm tham quan du lịch tâm linh cho du khách khi đến với Lý Sơn, ngoài những danh lam thắng cảnh trên đảo. Thông qua đó, du khách có thể sẽ được hiểu rõ hơn về tập tục, văn hóa, đời sống tâm linh của người dân trên đảo" - bà Hương thông tin.
Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cá voi cứu người trong bão là những câu chuyện có thật ở các làng chài trên cả nước. Do đó, người dân ven biển đặc biệt tôn thờ, xem cá voi là linh vật. "Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn không giải thích được vì sao cá voi lại thường cứu người, tàu thuyền trong lúc gặp bão. Nhiều người nghĩ đó là cách cá voi tránh bão nên mới dựa lưng vào tàu thuyền, nhưng theo tôi không phải vậy. Bởi khoa học chứng minh, nhiều loài vật như cá voi có những khả năng rất đặc biệt như nhận biết bão đang tới thông qua những dòng hải lưu… nên dễ dàng né tránh. Do đó, việc cá voi cứu người, cứu tàu chỉ có thể giải thích về mặt tâm linh" - ông Khôi nhận định.
Bình luận (0)