Tháng 10-1947, giữa núi rừng Việt Bắc, Bác Hồ viết "Sửa đổi lối làm việc". Đây là tác phẩm quan trọng, ra đời trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tư tưởng và lý luận của Bác về xây dựng Đảng cầm quyền và công tác cán bộ trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc.
Cán bộ tốt, việc gì cũng xong
Bác từng nói: "Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"; "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng... Ðảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta. Phải khéo dùng cán bộ".
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Bác không chỉ vạch ra những sai lầm, khuyết điểm, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, trong phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên mà còn tập trung nêu rõ những biện pháp cần thiết để chữa trị những căn bệnh "nan y" này. Do đó, xuyên suốt và cốt lõi trong "Sửa đổi lối làm việc" là những vấn đề xoay quanh việc phải giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thế nào để có năng lực làm việc và tư cách đạo đức, thực sự là "công bộc" của nhân dân.
Bác Hồ với người dân HTX Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên Ảnh: TƯ LIỆU
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đảng cũng là một thực thể xã hội. Cán bộ, đảng viên có nhiều ưu điểm và đạt nhiều thành tích nhưng cũng có người mắc những khuyết điểm như: Không giữ vững được tính cách mạng trong mỗi công việc của Đảng; thiếu chí công vô tư; không giữ được kỷ luật nghiêm từ cấp trên xuống cấp dưới; không gần dân, lắng nghe và gắn bó mật thiết với nhân dân và nhất là không làm việc đến nơi đến chốn.
Nguyên nhân của những khuyết điểm đó được Bác chỉ rõ là do nhận thức, tư tưởng chưa đúng; mắc bệnh chủ quan, hẹp hòi; ưa dùng cánh hẩu, kéo bè kéo cánh, phá vỡ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữa Đảng và nhân dân; ưa ba hoa, nói dông dài, cẩu thả; ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người khác; dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực...
Học hỏi nhưng không theo đuôi
Ngày nay, đọc lại những lời dạy quý báu của Bác, ta càng thấy tính nguyên tắc, tính khoa học vững bền, tính Đảng nghiêm cẩn, tính tiên tri và tính thời sự bức thiết của những điều Bác nêu ra. Bác nhấn mạnh lãnh đạo phải gắn liền với kiểm soát (hay kiểm tra). Lãnh đạo đúng nghĩa là phải quyết định mọi vấn đề cho đúng, phải tổ chức sự thi hành cho đúng, phải tổ chức sự kiểm soát đúng...
Bác đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng. Muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không như vậy thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời.
Người viết: "Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó... rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Chính Người là một mẫu mực của tinh thần tự phê bình và phê bình trong mọi thời điểm cách mạng.
Đáng tiếc là nhiều năm qua, rất nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả nhiều người có chức, có quyền ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã không học tập, không nghiên cứu kỹ những nội dung từ tác phẩm bất hủ này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoặc có người đọc nhưng không vận dụng lời dạy của Bác vào công tác và đời sống hằng ngày. Từ đó mà yếu kém lý luận, xa rời thực tế, dẫn đến công tác kém hiệu quả, suy thoái đạo đức và lối sống, nảy sinh nhiều vấn đề khiến nhân dân bức xúc, giảm lòng tin.
Những lời dạy của Bác vẫn mãi mãi là ánh sáng soi đường cho mỗi chúng ta, để làm tốt nhiệm vụ “là công bộc của dân”, để “xứng đáng là người lãnh đạo” được nhân dân tin yêu và bảo vệ.
Bình luận (0)