Kể từ lúc được làm con nuôi của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), con đường đến trường của 2 cháu Cao Văn Hiếu và Cao Văn Tĩnh không còn xa xôi như trước.
"Biết ơn nhiều lắm"
Hiếu và Tĩnh là anh em con chú, bác ruột, người dân tộc Raglai ở xã Vĩnh Hải, đều không có cha mẹ nuôi dưỡng. Bố Hiếu bỏ đi khi cháu còn nhỏ, mẹ mất vì ung thư. Tĩnh thì bố mất sớm, mẹ không đủ sức nuôi nhiều con. Hiếu và Tĩnh chỉ nhờ cậy vào tình thương của bà nội già yếu. Để mưu sinh, hằng ngày các cháu theo bà nội lên rừng kiếm củi khô về bán cho các hàng quán. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau khiến con đường đến trường của các cháu hết sức khó khăn.
Hiểu rõ hoàn cảnh này, tháng 9-2019, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải nhận 2 cháu làm con nuôi với mong muốn giúp đỡ đến lúc trưởng thành. Cảm nhận tình thương từ các "cha nuôi", Hiếu và Tĩnh luôn nghe lời dạy bảo, cố gắng vươn lên trong học tập. Từ học sinh yếu kém, cá biệt, nay 2 cháu đã thành học sinh tiên tiến, chăm ngoan.
"Nhà con nghèo lắm. Được các chú bộ đội nhận nuôi, con mừng lắm. Vậy là anh em con được tiếp tục đi học. Con biết ơn và nghe lời cha nuôi dạy bảo, cố gắng học tập thật tốt" - Hiếu bộc bạch.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải trao tặng xe đạp cho hai “con nuôi” Cao Văn Hiếu và Cao Văn Tĩnh
Bà Cao Thị Hè, bà nội của Tĩnh và Hiếu, không giấu được niềm xúc động: "Thật may mắn khi các cháu tôi được Bộ đội Biên phòng nhận nuôi dưỡng. Giờ thì các cháu không phải bỏ học. Tôi biết ơn Bộ đội Biên phòng nhiều lắm. Mong sao lớn lên, các cháu trở thành người có ích cho xã hội".
Từ khi thành "con nuôi" của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, Hiếu và Tĩnh không phải nhọc nhằn mưu sinh như trước. Hai cháu được các "cha nuôi" kèm cặp, hướng dẫn học tập, giúp đỡ đến trường; theo dõi sức khỏe và tâm lý để có hướng giáo dục phù hợp nhất.
"Do đơn vị đang xây dựng cơ sở mới, các cháu lại ở xa đồn nên hiện còn tạm ở tại nhà. Đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường để nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của từng cháu. Hằng tuần, đơn vị cử người đến tận nhà để giám sát, kịp thời uốn nắn, hướng dẫn, động viên các cháu vượt khó, học tập tốt. Ngoài chi phí thường xuyên, đơn vị còn vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ các cháu quần áo, sách vở, xe đạp… Khi cơ sở hoàn thiện, chúng tôi sẽ đón các cháu về đơn vị để bảo đảm việc nuôi dạy theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Tư lệnh Biên phòng đề ra" - đại úy Huỳnh Xuân Phe, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, cho biết.
Ngoài mô hình nêu trên, 5 năm qua, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải còn nhận đỡ đầu 4 học sinh nghèo hiếu học theo chương trình "Nâng bước em tới trường". Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, cho biết: "Các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, không nơi nương tựa trên địa bàn đã có thêm điều kiện để đến trường thông qua các mô hình hỗ trợ từ lực lượng biên phòng. Những việc làm này không chỉ "nâng bước" các cháu được đến trường mà còn tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo của Tổ quốc".
Từng bước hoàn thiện bản thân
Cháu Phạm Thị Thu Thùy (ngụ thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) cũng là một trong những học sinh nghèo đầu tiên ở địa bàn này được Đồn Biên phòng Phước Dinh hỗ trợ theo chương trình "Nâng bước em tới trường".
Gia đình Thùy nghèo, cha sức khỏe kém nhưng quanh năm phải đi làm thuê để nuôi vợ tật nguyền cùng 3 con ăn học. Được Đồn Biên phòng Phước Dinh nhận đỡ đầu, Thùy rất mừng và đã nỗ lực phấn đấu trở thành học sinh giỏi của huyện Thuận Nam năm học 2019-2020.
Thùy tâm sự: "Mẹ bệnh, ba yếu, kinh tế gia đình khó khăn nên không đủ điều kiện cho con đến trường. Nếu không được các chú Bộ đội Biên phòng giúp đỡ, có lẽ con đã bỏ học từ lâu. Biết ơn các chú và thương ba mẹ nên con cố gắng học tập thật giỏi. Con mong sau này làm được điều gì đó để trả ơn ba mẹ và các chú".
Theo thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Dinh, để chắp cánh ước mơ cho các cháu, đơn vị không chỉ giúp đỡ vật chất mà còn luôn động viên, dạy bảo về tư cách đạo đức, ý chí phấn đấu, tình yêu quê hương, Tổ quốc…, giúp các cháu từng bước hoàn thiện bản thân, sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Dinh tặng quà cho học sinh nghèo trong ngày khai giảng năm học 2020-2021
Trước khi trở thành sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, Lê Thành Nam (ngụ xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) học tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh Ninh Thuận. Hồi đó do cha em mắc bệnh ung thư, mẹ thường xuyên đau yếu, nhà xa trường gần 10 km nên nhiều lúc Nam đã nghĩ đến việc bỏ học. "May nhờ có cán bộ, chiến sĩ Hải đội Biên phòng 2 nhận đỡ đầu, giúp em tiếp tục đến trường. Nếu không có sự giúp đỡ đó thì chắc chắn em đã bỏ học giữa chừng" - Nam bộc bạch.
Thực hiện từ năm 2016, đến nay, chương trình "Nâng bước em tới trường" của Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận đã nhận đỡ đầu 69 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của 15 xã, phường dọc tuyến biên giới biển. Ngoài nhận hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, học sinh còn được các đơn vị kèm cặp, giúp đỡ học tập, rèn luyện đạo đức, lối sống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và định hướng nghề nghiệp. Mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" (thực hiện từ năm 2019) đang nhận nuôi 2 học sinh người dân tộc Raglai và 26 học sinh thuộc diện đỡ đầu bằng hình thức ủng hộ kinh phí.
Ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc
Đại tá Vũ Đình Nhất, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận, nhìn nhận: "Đây là những chương trình có ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc và hiệu quả, đã góp phần giúp đỡ, động viên kịp thời học sinh nghèo ở khu vực biên giới, biển đảo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, có nghị lực phấn đấu tốt trong học tập, rèn luyện để sau này trở thành người có ích cho quê hương, đất nước. Chương trình được chính quyền địa phương các cấp, nhà trường và gia đình đánh giá cao. Chúng tôi rất mừng vì các cháu tiếp tục đến trường và học hành tiến bộ..., thực hiện được ước mơ bay cao, bay xa của mình".
Người đứng đầu phải dám nghĩ, dám làm
Đã có những quy định về việc lãnh đạo địa phương nào để tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra liên tiếp, gây thiệt hại nặng về người và vật chất thì phải chịu kỷ luật; địa phương nào để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép hoặc xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực như trộm cướp, đánh nhau gây thương tích... làm bất an trong khu dân cư, gây lo lắng cho người dân thì lãnh đạo ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm; người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ...
Đơn cử vài việc cụ thể như trên để nhìn nhận một cách khách quan về thái độ, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là cách hành xử cụ thể của họ trước những vụ việc xảy ra ở địa phương, đơn vị mình. Theo đó, thái độ kiên quyết, đúng đắn và kịp thời của người đứng đầu ở các địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ là những điểm nhấn được mọi người quan tâm theo dõi, cũng là cơ sở chắc chắn để mọi người trao gửi niềm tin.
Qua theo dõi những năm gần đây thì nhiều địa phương đã chọn được người phù hợp đứng đầu chính quyền. Những người này đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc kéo giảm tình trạng TNGT, giảm bớt tình trạng xây dựng trái phép, tệ nạn xã hội cũng giảm rõ rệt và được người dân hoan nghênh, đánh giá cao. Điều đó cho thấy khi người đứng đầu mà dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, một lòng vì lợi ích của nhân dân và CB-CNVC thì mọi hoạt động đều có khả năng đạt hiệu quả cao. Vai trò cá nhân trong tập thể cũng bộc lộ rõ. Không thể có một tập thể mạnh nếu người đứng đầu thiếu năng lực, tinh thần, trách nhiệm.
Trước công cuộc đổi mới và đòi hỏi ngày càng cao trong việc cải cách hành chính hiện nay, người dân đang rất trông mong vào sự chuyển biến mạnh mẽ của công tác cán bộ. Muốn có cán bộ tốt thì các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực làm tốt các khâu: tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, sàng lọc, xử lý.
Trong bài viết về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm đối với công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về công tác cán bộ đã nhấn mạnh: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ. Trong đó, các tiêu chuẩn được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu cụ thể như: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân; dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.
Mai Lịch (TP Đà Nẵng)
Bình luận (0)