Nắng sáng chiếu qua vườn quýt, ông Đoàn Anh Kiệt (61 tuổi; ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) vừa dạo bước vừa hào hứng chia sẻ về hành trình làm du lịch hết sức tình cờ mà bén duyên.
Du khách khắp nơi tìm đến
Nhiều năm trước, ông Kiệt cặm cụi trồng quýt hồng theo kiểu truyền thống, bán cho thương lái với giá bấp bênh. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng nên ông Kiệt thu lợi nhuận không cao.
Ông Đoàn Anh Kiệt trong vườn quýt hồng trĩu quả
Năm 2014, con gái ông làm việc ở TP HCM, dẫn bạn bè về quê tham quan vườn quýt hồng đang vào mùa trái trĩu quả, chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội, thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người. Khi ấy, nhiều người hỏi: "Tại sao chủ nhà không mở cửa vườn quýt hồng đón khách đến tham quan?".
Ông Kiệt nghe thế nên năm 2015 mạnh dạn chăm sóc thật kỹ vườn quýt hồng để mở cửa đón khách du lịch. Đây được xem là hướng đi đúng đắn, bởi huyện Lai Vung được ví như "vương quốc" quýt hồng nổi tiếng khắp cả nước, nên việc mở cửa làm du lịch rất được khuyến khích vì góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Đồng Tháp vươn xa.
"Gia đình từ chân ướt chân ráo bước ra làm du lịch nên tôi rất bận tâm, lo lắng. Thế nhưng, khi có quyết tâm rồi thì sự nỗ lực đã mang lại thành công" - ông Kiệt bộc bạch.
Với 8 năm làm du lịch miệt vườn, điểm tham quan vườn quýt Hai Kiệt được du khách khắp nơi tìm đến ngày càng đông. Du khách mua vé vào tham quan được thỏa thích chụp ảnh lưu niệm, trải nghiệm bơi xuồng, tự tay hái mua những trái quýt ửng hồng, to, bóng, căng tròn đang đong đưa trên cành để mang về tặng người thân, bạn bè. Đến tham quan, du khách còn được thưởng thức các món ăn mang hương vị đồng quê chế biến theo kiểu ẩm thực miệt vườn.
Trong sự hối hả của cuộc sống đô thị, du khách ở các thành phố lớn có xu hướng đi tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái miệt vườn ở miền Tây để được hòa mình vào cuộc sống của nhà vườn. Đang thích thú chụp ảnh với những cành quýt hồng nhiều trái, chị Nguyễn Thanh Huệ, du khách đến từ TP HCM, trải lòng: "Được về thăm vườn quýt hồng, tôi thích quá! Sống ở đô thị nhộn nhịp xe cộ, người đông đúc nên được đi du lịch miệt vườn có khí hậu mát mẻ, trong lành, làm cho tinh thần của tôi rất thoải mái sau thời gian làm việc căng thẳng".
Từ ngày thay đổi tư duy đột phá làm du dịch miệt vườn, ông Kiệt tự so sánh lại, mỗi năm trồng quýt theo kiểu truyền thống bán cho thương lái giá thấp hơn so với mở vườn làm du lịch. "Mỗi năm, nhờ phát triển vườn quýt hồng từ việc bán vé đến bán trái cho khách du lịch và phục vụ ăn uống đã đem về thu nhập cho gia đình vài trăm triệu đồng" - ông Kiệt nhẩm tính.
Bền bỉ gắn bó
Với bản chất nông dân thật thà, ông Kiệt không ngần ngại chia sẻ câu chuyện làm du lịch miệt vườn từ những cây quýt hồng đã gắn bó lâu đời với gia đình.
"Chuyện làm du lịch không dễ dàng chút nào, bởi cây quýt hồng bắt đầu trồng đến khi cho trái phải mất thời gian 3 năm. Nhà vườn nhọc nhằn nhất là kinh nghiệm xử lý ra trái đúng thời điểm để phục vụ du khách thập phương" - ông Kiệt khẳng định.
Ông Kiệt từ nông dân "chân lấm tay bùn" ngày nào đã chuyển hẳn sang làm du lịch là điều hết sức mới mẻ, gặp khó khăn gấp nhiều lần bởi phải phục vụ khách du lịch như "thượng đế". Với kinh nghiệm trồng quýt nhiều năm, ông Kiệt quả quyết: "Kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách thì tôi không ngại, bởi được ngành chuyên môn tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ làm du lịch. Điều tôi trăn trở lớn nhất là chăm sóc cây quýt phát triển bền vững, cho trái to, bóng, đẹp thì mới đủ điều kiện mở cửa đón khách".
Trở thành nhà vườn có tiếng ở huyện Lai Vung nhưng ông Kiệt luôn lo lắng khi làm du lịch. Bởi vì thời gian qua, hiện tượng cây quýt bị bệnh vàng lá, thối rễ dẫn đến chết làm cho nhà vườn lao đao trong việc phục hồi lại vườn quýt vốn dĩ đã tồn tại, gắn bó với người nông dân bao đời. Cây quýt ở huyện Lai Vung đã trải qua những thăng trầm do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh. Tuy nhiên, ông Kiệt vẫn bền bỉ gắn bó, duy trì khoảng 650 cây quýt hồng chỉ phục vụ khách du lịch. Vườn quýt hồng của ông được du khách từ TP HCM, Hà Nội, các tỉnh lân cận tìm đến tham quan có lúc đông như lễ hội.
Ông Kiệt là một trong những nông dân gương mẫu thực hiện Đề án bảo tồn vườn quýt hồng của UBND tỉnh Đồng Tháp. "Tôi tham gia dự án bảo tồn cây quýt hồng nên sử dụng phân hữu cơ do huyện Lai Vung hỗ trợ chi phí để tiếp tục phát triển vườn quýt hồng, phục vụ nhu cầu phát triển du lịch ở địa phương. Trồng quýt kết hợp theo hướng hữu cơ sẽ giúp cây quýt phát triển bền vững, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng" - ông Kiệt nói.
Nói về tương lai, ông Kiệt cho biết sẽ tiếp tục mở ra nhiều ý tưởng mới để phát triển điểm tham quan du lịch khác biệt hơn, nhằm thu hút thật nhiều du khách.
Gương mẫu đi đầu
Hơn 20 năm tuổi Đảng, ông Kiệt đã gương mẫu trong việc đi đầu làm du lịch miệt vườn ở Lai Vung. Sau ông, thêm nhiều nhà vườn mở cửa vườn quýt cùng làm du lịch. Ông Kiệt chia sẻ: "Đối với tôi, việc làm du lịch ngoài tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình còn là niềm tự hào về quê hương xứ sở đất sen hồng Đồng Tháp".
Cách làm mới của ông đã được ghi nhận. Năm 2020, điểm tham quan du lịch vườn quýt hồng Hai Kiệt vinh dự được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020.
Bình luận (0)