Suốt nhiều tháng qua, những buổi gặp gỡ, thăm hỏi người dân tại các khu phố vẫn được lãnh đạo quận 3 (TP HCM) thực hiện đều đặn hằng tuần. Đây là hoạt động nằm trong mô hình "Mỗi tuần một khu phố" do Quận ủy quận 3 triển khai.
Gần gũi, thân tình
Một buổi sáng đầu tháng 3, phòng sinh hoạt cộng đồng của chung cư 107 Trương Định (phường Võ Thị Sáu, quận 3) rộn ràng tiếng cười nói của gần 20 đảng viên và người dân khu phố 2. Họ tất bật sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị trà bánh để đón đoàn công tác của Quận ủy quận 3.
Sau khi đi thăm ở một số tuyến hẻm, ông Phạm Thành Kiên, Bí thư Quận ủy quận 3, cùng đoàn công tác đã ngồi lại trao đổi trực tiếp với các cô chú của khu phố 2. Bàn ghế được bố trí theo kiểu hội nghị trước đó cũng được sắp xếp lại để lãnh đạo và người dân thu hẹp khoảng cách, ngồi gần nhau hơn.
Mở đầu, ông Phạm Thành Kiên xin phép những người tham dự được xưng con, gọi bằng cô chú. Ông nói: "Hôm nay, không phải là buổi kiểm tra hay làm việc. Đây chỉ là buổi gặp gỡ, thăm hỏi nhằm lắng nghe những tâm sự của các cô chú. Trong thời gian qua, các cô chú thấy có vấn đề gì cần góp ý hay giải đáp thì mạnh dạn phát biểu. Con sẽ lắng nghe tất cả ý kiến của các cô chú, càng nhiều ý kiến càng tốt. Vấn đề nào cần thì con sẽ giải đáp cho cô chú được rõ, nếu hôm nay chưa giải đáp được thì sẽ ghi nhận và nghiên cứu trả lời cho các cô chú trong thời gian sớm nhất".
Bí thư Quận ủy quận 3 (TP HCM) Phạm Thành Kiên giải đáp các thắc mắc của người dân khu phố 2 (phường Võ Thị Sáu)
Trong không khí thân tình, cởi mở, những vấn đề như khó khăn trong quản lý đảng viên, địa điểm sinh hoạt của khu phố, đề xuất hỗ trợ cùng các mô hình giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn… đã được người dân tham gia đóng góp ý kiến với lãnh đạo quận 3.
Còn Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 3 Võ Văn Đức cũng đã có buổi đến thăm, gặp gỡ người dân khu phố 5 (phường 4). Vừa đi trên những con hẻm khang trang, sạch đẹp được thực hiện theo mô hình "Hiến đất mở rộng hẻm", ông Đức vừa hỏi thăm tình hình sức khỏe, đời sống của người dân trên địa bàn.
Tại buổi gặp gỡ, người dân khu phố 5 đã trình bày với ông Võ Văn Đức về hoàn cảnh của ông T.P (một người dân cùng khu phố) và những đề xuất hỗ trợ. Sau khi nghe lãnh đạo phường 4 trình bày thêm về trường hợp này, ông Đức gợi ý: "Phường 4 xem xét hỗ trợ theo mô hình "Việc có ý nghĩa giúp dân" của Quận ủy. Việc làm này tuy nhỏ thôi nhưng vừa có ý nghĩa vừa giúp được cho dân".
Ông Đức nói tiếp: "Bây giờ trường hợp này như vậy, phường coi khả năng mình làm được không?". Đáp lại, đại diện lãnh đạo phường 4 khẳng định sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm giải quyết, hỗ trợ cho trường hợp của ông T.P. Lúc này, nhiều người dân khu phố 4 phấn khởi và nói: "Tốt quá! Hoan nghênh! Quá chừng mừng luôn đó!".
Lấy người dân làm trung tâm
Bà Trịnh Thị Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 3 - cho biết việc triển khai thực hiện mô hình "Mỗi tuần một khu phố" nhằm mục đích giúp lãnh đạo quận kịp thời nắm bắt những khó khăn của các chi bộ khu phố, lắng nghe những chia sẻ, góp ý từ các bí thư chi bộ, cấp ủy và các ban ngành, đoàn thể của khu phố. Qua đó, kịp thời có những điều chỉnh trong quá trình tổ chức vận hành, thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở.
Theo bà Trịnh Thị Hường, mô hình "Mỗi tuần một khu phố" bước đầu đã mang lại hiệu quả. Theo đó, người dân chia sẻ rất chân tình, đóng góp, kiến nghị những vấn đề gần gũi và sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. "Mô hình này được thực hiện cũng phù hợp với quy định của Đảng hiện nay, đó là mọi vấn đề đều lấy người dân làm trung tâm" - bà Hường nói.
Ông Ngô Kim Long, Trưởng Ban Điều hành khu phố 2 (phường Võ Thị Sáu), cho hay dù buổi gặp gỡ chỉ diễn ra trong hơn 1 giờ nhưng người dân lại được chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến, trên tinh thần thẳng thắn và chân tình. Các vấn đề người dân đưa ra cũng được lãnh đạo quận giải đáp cặn kẽ, tận tình.
"Tôi rất mong Quận ủy quận 3 tiếp tục nhân rộng mô hình "Mỗi tuần một khu phố", để người dân được đóng góp ý kiến trực tiếp cho lãnh đạo quận và nghe các lãnh đạo giải thích" - ông Long bày tỏ.
Còn bà Hồ Thị Bình, Trưởng Ban Điều hành khu phố 5 (phường 4), bày tỏ sự phấn khởi khi lãnh đạo quận đi xuống tận cơ sở. Theo bà, có như vậy thì lãnh đạo mới nắm rõ những thuận lợi, khó khăn của cơ sở.
"Chúng tôi già rồi, mỗi khi muốn trình bày hay đề xuất vấn đề gì lên phường hoặc quận bằng văn bản thì cũng gặp khó khăn về máy móc hay viết lách. Cho nên, khi lãnh đạo xuống thăm thì chúng tôi được nói chuyện trực tiếp và nói hết ý của mình" - bà Bình bộc bạch.
Hợp lòng dân, hợp lòng cán bộ
Là cán bộ ở cơ sở, bà Hồ Thị Bình nhận thức được mình chính là cầu nối giữa người dân và lãnh đạo các cấp. Bà tin tưởng mô hình "Mỗi tuần một khu phố" sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Mô hình cũng giúp những người cán bộ ở cơ sở như bà thực hiện tốt vai trò của mình. Đó là chăm lo cho dân, giúp người dân có niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
"Đây là mô hình hợp lòng dân, hợp lòng cán bộ cơ sở. Rất mong mô hình này sẽ được triển khai thực hiện lâu dài" - bà Bình nói.
Bình luận (0)