Chùa Candaransi nằm bên dòng kênh Nhiêu Lộc (quận 3, TP HCM). Khi chúng tôi ghé thăm chùa cũng là lúc các nhà sư đang tất bật chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2567).
Nguyện làm cầu nối
Để có được ngôi chùa khang trang như hiện tại là nhờ công của Hòa thượng Danh Lung trụ trì chùa. Hòa thượng về chùa này năm 1991, trụ trì từ năm 1995 đến nay.
Hòa thượng Danh Lung kể: "Tôi nhớ như in ngày đầu về đây, sân chùa chỉ là một đống xà bần to lớn. Thậm chí, người dân tự ý vào chùa sinh sống, rất lộn xộn".
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Hòa thượng Danh Lung trong một lần cùng trao học bổng cho sinh viên là người dân tộc Khmer.Ảnh: THIỆN AN
Qua thời gian, chùa dần ổn định và phát triển. Nhiều công trình, hạng mục được sửa chữa, xây mới. Có thời điểm chùa hỗ trợ địa điểm ăn ở miễn phí cho hàng chục sinh viên xa nhà, có hoàn cảnh khó khăn.
Bận rộn với công tác Phật sự nhưng Hòa thượng Danh Lung luôn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM. Với tấm lòng nhân ái, Hòa thượng lặn lội khắp nơi để thực hiện công tác an sinh xã hội, từ thiện.
Hòa thượng Danh Lung cho biết nhờ tham gia tổ chức Mặt trận nên nắm bắt được những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó phổ biến lại cho các Phật tử, đặc biệt Phật tử là đồng bào dân tộc Khmer. "Quê tôi ở Kiên Giang, bà con dưới đó chủ yếu trồng lúa. Với sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, tôi tham gia tư vấn cho người dân áp dụng những giống lúa mới vào trồng trọt. Đây là những giống lúa đã được nghiên cứu, cho năng suất cao và thích nghi với tình hình ngập mặn" - Hòa thượng Danh Lung kể.
Nhiều giống cây ăn quả, nhiều phương pháp canh tác mới, hiệu quả được Hòa thượng Danh Lung truyền đạt lại cho đồng bào Phật tử. Hiệu quả kinh tế thể hiện rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. "Có những chủ trương, chính sách, pháp luật được những nhà sư phổ biến thì bà con đón nhận rất nhiệt tình. Đó chính là nhờ uy tín và vai trò quan trọng của tu sĩ trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer" - Hòa thượng Danh Lung chia sẻ.
Hòa thượng Danh Lung luôn tâm niệm phải trở thành chiếc cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc Khmer. "Không chỉ tham gia tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến đồng bào dân tộc Khmer mà ngược lại, tôi còn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Từ đó, trình bày lại cho các cấp chính quyền" - Hòa thượng Danh Lung tâm sự.
Theo Hòa thượng Danh Lung, làm tốt vai trò cầu nối cũng là cách mà Hòa thượng báo hiếu cho cộng đồng, xã hội. Bởi theo lời Đức Phật, tu sĩ phải báo hiếu với cộng đồng, với quần chúng, với nhân loại.
Tấm lòng đáng quý
Những năm gần đây, nhiều suất học bổng, nhiều phương tiện học tập đã được Hòa thượng Danh Lung trao cho học sinh, sinh viên nghèo. Tại TP HCM, mỗi năm học, Hòa thượng Danh Lung trao học bổng với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng cho sinh viên khó khăn; dành nhiều sự giúp đỡ cho sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP HCM.
"Tôi tập trung nhiều vào giúp đỡ việc học tập của các cháu. Các cháu học hành đầy đủ thì cuộc sống sẽ thay đổi, có kiến thức thì không đi vào những con đường tội lỗi, trở thành công dân có ích cho xã hội. Khi đó, chính các cháu sẽ giúp đỡ lại nhiều người khác trong xã hội. Như vậy thì sự giúp đỡ của mình được lan tỏa và bền bỉ hơn" - Hòa thượng Danh Lung nói.
Ngày 22-5, Hòa thượng Danh Lung đã được nhận học vị tiến sĩ ngành dân tộc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM. Hòa thượng Danh Lung chia sẻ: "Khi tôi học ngành này cũng có ý kiến thế này thế khác, nhưng tôi giữ lập trường của mình. Đó là cuộc đời của tôi không thể tách ra khỏi đồng bào dân tộc Khmer của mình. Ngành học này giúp tôi có kiến thức về các đồng bào dân tộc và dùng kiến thức ấy để giúp đỡ họ vươn lên".
Hòa thượng Danh Lung cho biết trong quá trình thực tế, để phục vụ việc nghiên cứu, học tập, ông đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc về sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo. Với kiến thức đã học được, vừa qua, Hòa thượng Danh Lung đã xin giấy phép và xây dựng một ngôi chùa ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, mở điểm dạy học để đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.
"Đời sống của đồng bào dân tộc ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng họ cũng có những thế mạnh riêng. Nếu chúng ta hiểu, giúp đỡ thì họ sẽ ngày càng phát triển, vươn lên. Tôi sẽ dùng những kiến thức đã học được để giúp đỡ đồng bào dân tộc, góp phần thay đổi cuộc sống của họ" - Hòa thượng Danh Lung nói.
Nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý
Hòa thượng Danh Lung (sinh năm 1964), hiện là Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer, Phó trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương.
Hòa thượng Danh Lung đã được tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Huân chương Lao động hạng ba... Theo Hòa thượng Danh Lung, người tu sĩ không chỉ tu tập mà quan trọng hơn là phải lấy tinh thần của "Phật giáo nhập thế" để giúp đỡ nhân dân cải thiện đời sống, cải thiện hành vi, vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống, không để ai bị chậm lại phía sau.
Bình luận (0)