Tại buổi họp mặt truyền thống với chủ đề "50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh" do Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh, Thành đoàn, CLB Truyền thống Thành đoàn của TP HCM tổ chức mới đây, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP HCM, cho biết cách đây 50 năm, ngày 3-9-1969, cả nước bàng hoàng khi nghe Bộ Chính trị thông báo Bác Hồ qua đời, không ai tin đó là sự thật.
Tất cả đều học thuộc lòng
Theo bà Hoàng Thị Khánh, sau khi Bác mất, Di chúc của Người được công bố. Bấy giờ, ở miền Nam, lực lượng vũ trang vừa đánh giặc, chống càn, hành quân vừa học Di chúc; lực lượng chiến đấu trong lòng địch thì học qua ghi chép từ đài phát thanh Hà Nội, có người được triệu tập về căn cứ để học; những người đang trong các trại giam thì học qua truyền miệng, qua giấy quấn thuốc lá, trùm mền để học… Miễn sao học thuộc một cách nhanh nhất để hủy tài liệu. Và bằng mọi cách, tất cả đều học thuộc lòng để truyền lại cho người khác.
Toàn văn Di chúc có 1.100 chữ nhưng những người tù cách mạng nhớ nhất đoạn đầu và đoạn gần cuối. Đó là: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn" và "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cho các cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí MinhẢnh: Hoàng Triều
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định rút khỏi đất nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà...".
Bà Khánh nhấn mạnh: "Di chúc của Bác lúc đó như lời hiệu triệu, xác định đường đi, đích đến của cách mạng miền Nam, củng cố và xây dựng niềm tin. Đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài, gian khổ còn chịu đựng, hy sinh hơn nữa phải chấp nhận, nhưng nhất định thắng lợi, Mỹ nhất định rút khỏi Việt Nam. Đất nước Việt Nam nhất định thống nhất, Nam - Bắc nhất định sum họp".
Bà Hoàng Thị Khánh cho biết thực hiện Di chúc của Bác, quân và dân các đô thị miền Nam với nhiều cách tấn công đã không để cho địch yên. Miền Nam giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà… Đó chính là kết quả của trường kỳ kháng chiến và hơn 6 năm toàn Đảng và toàn dân thực hiện Di chúc của Bác.
Tiếp tục cuộc chiến mới
Cũng theo bà Khánh, 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, lớp người năm xưa đã xả thân vì dân vì nước, sau khi nước nhà thống nhất lại tiếp tục lao vào một cuộc chiến mới: Xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ cái xấu, xây dựng cái mới để đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, như lời Bác căn dặn.
"Chúng ta tự hào trong cuộc chiến đấu mới, hầu hết chúng ta vẫn vững vàng trên từng vị trí đã được phân công. Tự hào trong lực lượng chúng ta có những đồng chí ở cương vị cao của bộ máy lãnh đạo Đảng, quản lý điều hành nhà nước; lại có những đồng chí chỉ đảm đương các công việc bình thường nhất nhưng giữ được phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, người cộng sản chân chính, vẫn là những học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đồng chí của Người" - bà Khánh bày tỏ tự hào.
Trách nhiệm nêu gương
Theo bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, làm theo Di chúc Bác Hồ phải trở thành hành động tự giác, là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, Đảng viên ở mọi thời kỳ cách mạng, ở mọi công việc, mọi suy nghĩ và hành động. Bác vẫn luôn là tấm gương soi trong từng cán bộ, Đảng viên. Di chúc của Bác mãi mãi dẫn dắt cả dân tộc đi tới những gì tốt đẹp, hạnh phúc. Theo chỉ dẫn của Bác, Đảng đã chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao. Phương thức lãnh đạo của Đảng được củng cố. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bước trưởng thành và tiến bộ về mọi mặt.
Từ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, là bước phát triển rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi người, từ chính công việc, cuộc sống nêu gương tốt cũng là niềm tự hào của bản thân, để không ngừng tự hoàn thiện mình. Nêu gương thật sự là tự tu dưỡng tới những gì tốt đẹp, cao cả, cũng là sự phòng ngừa những sai phạm để có thể tự tin báo công với Bác.
Bình luận (0)