Quy định 131 gồm 4 chương và 11 điều, trong đó đã chỉ ra 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Quy định 132 cũng chỉ ra 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực như: Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X; Kết luận 12-KL/TW ngày 6-4-2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Luật Phòng chống tham nhũng…
Qua đó, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm 2023 vào sáng 10-7.Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn một số hạn chế. Một vài bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Thậm chí, tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn xảy ra ngay trong chính những cơ quan, tổ chức, cá nhân làm công tác phòng chống tham nhũng.
Tham nhũng, tiêu cực là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta, là một loại "giặc nội xâm". Do đó, việc Bộ Chính trị ban hành các Quy định 131 và 132 nhằm kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính các cơ quan, lực lượng chống tham nhũng là một việc làm hết sức cần thiết, thể hiện rõ quyết tâm chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đang tập trung thực hiện.
Để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, hơn lúc nào hết, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, chồng chéo, xung đột, không rõ trách nhiệm, quyền hạn trong thực thi công vụ.
Mặt khác, cần có sự phân cấp, phân quyền một cách rõ ràng, minh bạch nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng "cơ chế xin - cho". Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự liêm chính trong thực thi công vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, hệ thống MTTQ các cấp và ngay chính trong cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay tại cơ quan, đơn vị, ở tất cả các cấp, các ngành.
Bình luận (0)