Ngày 15-6-2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ban hành Quy định số 76-QĐ/TW "Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, Đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú" (gọi tắt là QĐ76).
Ba cái được
Đến nay, ngót 20 năm, nhiều tổ chức Đảng ở các cấp, các ngành, các địa phương đã có sơ kết, tổng kết đánh giá việc làm được, những mặt còn hạn chế, yếu kém của đơn vị mình khi triển khai thực hiện QĐ76. Về những mặt được trong thực hiện, có thể thấy rất rõ là:
Đảng viên đương chức có điều kiện nắm bắt đầy đủ hơn những chủ trương, kế hoạch mới của địa phương về thực hiện nhiệm vụ chính trị mà cấp ủy cấp trên giao nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Qua đó, đảng viên đương chức có thể tham gia đóng góp hiến kế để góp phần giúp cấp ủy cơ sở làm tốt hơn vai trò lãnh đạo của mình.
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, trò chuyện với đảng viên đại biểu cho cơ sở Đảng tại doanh nghiệp. Ảnh: QUANG LIÊM
Đảng viên đương chức có thể biết được những việc tốt và chưa tốt của hộ gia đình mình, như trách nhiệm đóng góp vào các loại quỹ, phí theo quy định. Ngoài ra, còn nghe phản ánh về thái độ ứng xử của các thành viên trong gia đình mình đối với phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Qua đó, có trách nhiệm điều chỉnh hành vi không đúng của người thân trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình đạt tiêu chí văn hóa.
Đảng viên đương chức là chủ các doanh nghiệp, các tập đoàn sản xuất có thu nhập cao, nhiều người đã trở thành "mạnh thường quân" đỡ đầu cho những hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh đang sinh sống tại khu dân cư qua thông báo tình hình của cấp ủy địa phương; có người còn trực tiếp tham gia kế hoạch giảm nghèo bền vững của địa phương.
Có nơi làm qua loa
Tuy nhiên, qua triển khai cũng cho thấy còn một số mặt hạn chế cần khắc phục, đó là:
Thứ nhất, đảng viên đương chức thường không duy trì đều đặn chế độ sinh hoạt cùng cấp ủy nơi cư trú theo đúng nội dung QĐ76. Lý do đưa ra thường là bận công tác xa không về kịp hoặc cơ quan (đơn vị) đang có việc bận không thể về dự. Cấp ủy nơi cư trú chỉ biết ghi nhận chứ không thể nào kiểm chứng lý do vắng sinh hoạt. Đó là chưa nói đến có nơi cấp ủy nơi cư trú còn tỏ ra nể nang, "ưu ái" cán bộ đảng viên đương chức.
Thứ hai, có đảng viên đương chức tham gia sinh hoạt theo QĐ76 chỉ là để "có mặt ghi tên" chứ không hề tham gia vào những vấn đề mà cấp ủy nơi cư trú cần sự tham luận, hiến kế của đảng viên đương chức. Thế là xảy ra chuyện ở những nơi đó sinh hoạt rất đơn giản, chủ yếu là đến đóng phí sinh hoạt (theo quy ước riêng của mỗi nơi chứ không thành văn bản). Trong khi đó, tại điểm 1 điều 1 của QĐ76 ghi rất rõ rằng đảng viên đương chức phải "thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, Đảng ủy cơ sở nơi cư trú" nhằm gần gũi nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của dân nơi cư trú.
Thứ ba, mối quan hệ giữa cấp ủy nơi đảng viên đương chức cư trú với cấp ủy nơi đảng viên đương chức đang sinh hoạt hầu như không thường xuyên, chỉ khi cần lấy nhận xét vào dịp bình xét cuối năm hoặc trước khi bầu cử thì mới có động thái liên lạc giữa hai bên. Trong khi đó, tại điểm 2 điều 1 của QĐ76 quy định: "Tổ chức cơ sở Đảng nơi đảng viên đang công tác và nơi đảng viên đang cư trú tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ đảng viên và nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú".
Nêu ra một số vấn đề như thế để thấy ngoài những mặt được trong thực hiện QĐ76 thì vẫn nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm, chất lượng sinh hoạt thấp, thậm chí làm qua loa lấy lệ.
Từ thực tế đó để thấy cần tăng cường hơn nữa các giải pháp căn cơ để QĐ76 thực sự đi vào đời sống chính trị của toàn Đảng, mà quan trọng hơn cả chính là việc đánh giá cho đúng thực chất và tránh quan liêu trong đánh giá. Đánh giá đúng thực chất hay không là do ở cấp ủy. Mà cấp ủy muốn có đánh giá đúng thực chất thì cán bộ lãnh đạo trong cấp ủy phải thực sự là những người không quan liêu trong nắm bắt tình hình cơ sở.
Sinh thời, Bác Hồ dạy: "Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi…".
Bình luận (0)