Di chúc của Bác Hồ rất ngắn gọn song chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm. Trong đó toát lên một giá trị của văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước. Lòng yêu nước là nền tảng, là động lực của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trở thành hệ giá trị cốt lõi của cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây là nhận xét của PGS-TS Phan Xuân Biên (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM).
Đoàn kết là một giá trị
Theo ông Phan Xuân Biên, một trong những nội dung quan trọng về giá trị văn hóa của bản Di chúc là ở đó Bác đã căn dặn rất nhiều điều cơ bản về "xây dựng văn hóa trong chính trị", đặc biệt là văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước và các đoàn thể, mà gần đây, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã nhấn mạnh.
Trong Di chúc, Bác dành những điều "trước hết, nói về Đảng", rồi yêu cầu "việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng". Bác chỉ ra những điều phải làm, cụ thể như: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của nhân dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Dệt 8-3 (Hà Nội) năm 1965 Ảnh: BAOTANGHOCHIMINH.VN
"Đoàn kết là giá trị, sức mạnh, là yếu tố hạt nhân của văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý. Tuân theo lời căn dặn của Bác, Đảng ta đã luôn chủ trương giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội. Dưới góc độ văn hóa, đoàn kết là một giá trị to lớn, là sức mạnh vô địch của chúng ta" - ông Phan Xuân Biên nói và nhấn mạnh thêm rằng văn hóa là sản phẩm hoạt động có định hướng của con người. Cho nên, xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước là phải xây dựng từ con người, mà trước hết là cán bộ, cốt lõi là phải "vừa hồng vừa chuyên".
Thời gian gần đây, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước với mong ước nâng cao văn hóa lãnh đạo, quản lý, coi đó là nhiệm vụ then chốt, nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc, phù hợp xu thế phát triển của thời đại.
Tư tưởng nhân văn sâu sắc
PGS-TS Trần Thị Mai, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), nhấn mạnh tư tưởng nhân văn sâu sắc của Di chúc Bác Hồ là khẳng định chắc chắn sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta và ý định của Người khi đất nước được giải phóng, non sông liền một dải, Người sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc "để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý; đồng thời, "sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta".
Đó là đạo lý, là nhân nghĩa Việt Nam sản sinh qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, kết tinh và hội tụ ở thời đại Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần và sức mạnh "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo", Người có một niềm tin vững chắc "dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc".
Hòa chung vào tinh thần quốc tế vô sản
Theo PGS-TS Trần Thị Mai, không chỉ canh cánh nỗi niềm về nước nhà chưa được độc lập, đất nước chưa được thống nhất, đồng bào vẫn chưa đủ cơm ăn, áo mặc..., qua bản Di chúc, Người còn đau đáu với sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân thế giới "tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế", đau lòng "vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em".
Ở Hồ Chí Minh, nhân văn Việt Nam đã hòa chung vào tinh thần quốc tế vô sản cao cả.
Bình luận (0)