Tại Lễ Tôn vinh tập thể, cá nhân ngành y tiêu biểu và trao giải cuộc thi viết "Người Thầy thuốc trong tôi" lần 3 năm 2024-2025 tổ chức vừa qua, Báo Người Lao Động đã trao tặng "Mai Vàng tri ân" đến 2 bác sĩ và tập thể bệnh viện có nhiều cống hiến cho xã hội.
Gồm: tập thể Bệnh viện Ung bướu TP HCM và BSCK2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa với "Phương pháp phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung"; tập thể Bệnh viện Nhân Dân 115 và BSCK2 Nguyễn Đức Khang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh với kỹ thuật "Ứng dụng RAPID AI can thiệp nhồi máu não đến muộn 6-24 giờ". Mỗi đơn vị nhận món quà trị giá 20 triệu đồng.

Chương trình "Mai Vàng tri ân" vinh danh tập thể Bệnh viện Ung bướu TP HCM và BSCK 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa. Ảnh: Hoàng Triều

Chương trình "Mai Vàng tri ân" vinh danh tập thể Bệnh viện Nhân Dân 115 và BSCK2 Nguyễn Đức Khang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh. Ảnh: Hoàng Triều
Giữ thiên chức làm mẹ của bệnh nhân ung thư cổ tử cung
Trước đây, bất cứ phụ nữ trẻ nào không may mắc ung thư cổ tử cung đều phải trải qua quá trình điều trị như phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị, xạ trị, dẫn đến mất khả năng mang thai. Điều này đặc biệt đau đớn với những phụ nữ trẻ mới lập gia đình, chưa có con, kể cả chưa kết hôn.
Chính từ những từ thực tế này, tập thể Bệnh viện Ung bướu TP HCM quyết tâm tìm giải pháp. TS-BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa cùng BSCK2 Võ Tiến Tân Nhi và BSCK2 Đoàn Trọng Nghĩa đã mày mò, tìm hiểu và thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc bảo tồn chức năng sinh sản trong ung thư cổ tử cung giai đoạn xâm lấn sớm.
Bảo tồn tử cung cho bệnh nhân ung thư, nhiều thiên thần nhỏ đã chào đời. Video: Hải Yến - Huế Xuân
Tại chương trình, BS Tiến chia sẻ: "Tôi đã gắn bó hơn 30 năm với Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Trong suốt thời gian ấy, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp phụ nữ mắc ung thư liên quan đến tử cung và buồng trứng. Cảm giác đau đớn về thể xác, phần nào cũng tôi có thể hiểu, còn nỗi đau tinh thần khi mất đi thiên chức làm mẹ thì thật đau đớn, khó tả thành lời. Bởi lẽ, trước khi có kỹ thuật bảo tồn tử cung cho phụ nữ mắc ung thư giai đoạn sớm, thông thường phải cắt bỏ hết tử cung và buồng trứng để cứu sống bệnh nhân".
BS Tiến cho biết có rất nhiều phụ nữ, cả những người trẻ tuổi, đã lập gia đình nhưng chưa có con, phát hiện ra ung thư trong giai đoạn sớm. Theo các nghiên cứu và thống kê từ thế giới, nếu phát hiện ung thư sớm, khả năng bảo tồn chức năng sinh sản vẫn có thể thực hiện được. Do đó, chúng tôi đã tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật này.
"Đến nay, chúng tôi đã thực hiện thành công hơn 30 ca phẫu thuật bảo tồn, trong đó có 5 ca đã có con. Đó là niềm vinh dự lớn lao và cũng là niềm hy vọng cho những bệnh nhân có thể tiếp tục cuộc sống gia đình, sinh con đẻ cái" – BS Tiến xúc động nói.

BS Tiến xúc động khi nhắc về những bệnh nhân nữ mắc ung thư cổ tử cung, tuyệt vọng khi mất đi thiên chức làm mẹ. Ảnh: Hoàng Triểu
TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết khi nói về ung thư, chúng ta thường nghĩ đến những ca phẫu thuật rộng để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các khối u. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi những chức năng của người bệnh. Đối với phụ nữ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của họ.
Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã và đang tiếp cận những phương pháp điều trị tiên tiến, giảm thiểu phẫu thuật rộng, và bảo tồn chức năng cho người bệnh.
Giúp bệnh nhân đột quỵ trở về cuộc sống bình thường
Do tình hình giao thông, điều kiện vận chuyển còn nhiều hạn chế nên người bệnh bị đột quỵ não cấp đến BV để kịp giờ vàng chiếm tỉ lệ rất thấp. Ngay cả ở các nước tiên tiến, tỉ lệ người bệnh đến trễ sau 4,5 giờ rất cao, khoảng 90%.
Thần tốc cứu mạng bệnh nhân đột quỵ. Video: Xuân Huy - Quốc Thắng
Đến nay, Bệnh viện Nhân Dân 115 là đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ.
BSCK2 Nguyễn Đức Khang, cho biết: "Năm 2018, khi phần mềm RAPID đã được FDA-Mỹ chấp thuận cho sử dụng tại Mỹ, tôi nhận thấy cần áp dụng sớm tại Việt Nam để có thể cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ. Tháng 12- 2018, tôi đã mạnh dạn đề xuất với giám đốc bệnh viện để có được phần mềm này. Nhờ đó, đã cứu sống hơn 5000 ca bệnh đột quỵ. Trong đó, 1/3 bệnh nhân đã trở về cuộc sống bình thường"
BS Khang cho biết Bệnh viện Nhân Dân 115 là trung tâm can thiệp đột quỵ quy mô lớn nhất cả nước. Năm 2024, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20.000 ca đột quỵ, song chỉ có thể cứu sống khoảng 2.000 trường hợp.

Ứng dụng RAPID AI can thiệp nhồi máu não đến muộn 6-24 giờ của Bệnh viện Nhân Dân 115 đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân đến muộn sau 6 giờ. Ảnh: Hoàng Triều
Chia sẻ tại buổi lễ, BSCK 2 Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết để có được những kỹ thuật chuyên sâu và tiên tiến như ngày hôm nay, đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đã trăn trở rất nhiều. BSCK2 Nguyễn Đức Khang là người có công rất lớn trong việc tiếp cận kỹ thuật tiên tiến về cứu chữa cho bệnh nhân đột quỵ.
Đến nay, bệnh viện đã mở rộng cửa sổ điều trị đột quỵ từ 24 giờ lên 30 giờ nhờ phần mềm RAPID. Bệnh viện cũng góp phần xây dựng mạng lưới đột quỵ tại Việt Nam, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho 96 đơn vị trên toàn quốc.
Các bác sĩ gửi lời cảm ơn đến chương trình "Mai Vàng tri ân" và cuộc thi viết "Người Thầy thuốc trong tôi" lần 3. Đây là những món quà vô giá, tiếp thêm động lực cho đội ngũ y bác sĩ ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi ra những phương hướng điều trị mới, hiệu quả hơn cho bệnh nhân.
Chương trình "Mai Vàng tri ân" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á, đã thăm, tặng quà cho hơn 800 nghệ sĩ, nhà khoa học, y - bác sĩ, nhà giáo, trí thức cách mạng… có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng, cho xã hội.
Bình luận (0)