Muốn thưởng thức mận hậu Sơn La, người dùng không khó để tìm mua ở thị trường Hà Nội những ngày này. Chị Ánh Dương, chuyên bán lẻ mận qua kênh online, cho biết giá mận trung bình khoảng 150-230 ngàn đồng/kg, loại đặc biệt quả to có giá lên tới 270-280 ngàn đồng/kg. Mức giá này đã "hạ nhiệt" so với trước Tết.
"Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 8-10 kg. Thông thường giá mận trái vụ khá đắt nên khách hàng nào mua nhiều thì khoảng 1 kg, còn không đa phần chọn hộp 300-500 gram để thưởng thức" - chị cho biết.
Khảo sát tại các cửa hàng trái cây ở khu vực Hà Nội, mận hậu trái mùa được bán với giá trung bình khoảng 200 ngàn đồng/kg, tùy loại. Mức giá này tương đương hàng nhập khẩu từ Úc hay Chile, còn size vip có giá cao hơn.
Nhiều người dùng chia sẻ muốn thưởng thức mận Việt Nam hơn hàng nhập ngoại bởi hương vị chua giòn đặc biệt. Đây là hương vị đầu mùa nên rất thu hút.
Chị Phan Thu Vân Anh, Chủ tịch Hợp tác xã Nông sản Tân Lập Mộc Châu (Sơn La), cho hay mỗi ngày hợp tác xã phân phối đi các thị trường từ 3-5 tạ mận. Mùa mận được chia làm 3 giai đoạn là trái vụ, chín sớm và chính vụ, kéo dài từ tháng 11 năm trước tới tháng 7 năm sau. "Thậm chí có loại mận hậu có thể để được tới tháng 9" - chị nói.
Theo chị Vân Anh, sản lượng mận trái vụ không nhiều, nhưng hương vị chua giòn, ngon nên rất hấp dẫn người dùng. Năm nay, giá mận ở tại vườn dao động trung bình từ 50 đến hơn 100 ngàn đồng/kg. Tình hình giá cả và tiêu thụ biến động theo ngày. "Lúc ít hàng giá sẽ cao hơn thời điểm khan hàng" - chị Vân Anh nói. Theo tính toán, mỗi 1 ha mận hậu có thể giúp nông dân thu về khoảng 200 triệu đồng.
Cùng với Mộc Châu, Yên Châu là địa phương có diện tích mận hậu lớn tại Sơn La. Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lại Hữu Hưng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Châu, cho biết Yên Châu có khoảng 3.000 ha mận hậu. Người dân đã thu hoạch mận trái vụ từ trước Tết. Mận trái vụ có giá gấp 3-4 lần so với khi vào vụ thu hoạch.
"Trái mận đem lại giá trị cao cho người nông dân. Tuy vậy, để cho ra sản phẩm trái vụ, nông dân cần đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật. Điều này mới giúp rải vụ, ra quả sớm và kéo dài thời gian thu hoạch, cũng như nâng cao sản lượng"- ông Hưng nói.
Huyện Yên Châu sẽ thường xuyên phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mận hậu, cách thức để mận trái vụ cho năng suất, chất lượng, hỗ trợ người dân tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử để đưa trái mận Sơn La đi tới nhiều địa phương.
Theo Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Châu, mận hậu Sơn La nói chung và Yên Châu nói riêng chủ yếu tiêu thụ quả tươi, chưa đi tới nhiều thị trường ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Bình luận (0)