Vượt vất vả, nhận niềm vui
Vượt qua chặng đường dài gần 250 km trong giá lạnh mùa đông, cô giáo Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Jean Piaget (Hà Nội), và những người bạn mang đến cho những đứa trẻ mầm non vùng cao Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái những món quà hết sức thiết thực và ý nghĩa. Đó là 100 chiếc chăn bông ấm siêu nhẹ, 170 bộ quần áo và áo đông xuân cao cổ, 70 cặp lồng đựng cơm cho học sinh các điểm lẻ, 150 bình nhựa đựng nước, 2 chiếc loa kéo di động; 2 nồi cơm điện công nghiệp cỡ lớn, cùng nhiều bánh kẹo và đồ chơi....
300 học sinh của Trường mầm non Sùng Đô đều là người dân tộc Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong đó gần 70 em hiện đang học ở hai điểm trường lẻ là Giàng Pằng và Làng Mảnh, cách xa điểm chính hàng chục cây số. Ngày trời nắng còn có thể đi xe máy đến các điểm lẻ này, trời mưa thì chỉ còn cách đi bộ nhiều tiếng đồng hồ. Nhìn những đứa trẻ cười tít mắt nhận những món quà từ Hà Nội mang tới, cô giáo Phạm Thị Yến tâm sự chị và những người bạn cố gắng lựa chọn những món quà cần thiết nhất đối với trẻ vùng cao.
Không chỉ dành thời gian cho những đứa trẻ ở Yên Bái, trước tết Nguyên Đán Giáp Thìn, cô Phạm Thị Yến còn tổ chức nhiều chuyến đi đến các tỉnh vùng cao Sơn La, Lai Châu… trao quà cho các học sinh khó khăn. Đồng hành cùng chị là những người bạn lâu năm, có cả du học sinh về nước ăn tết, không đi chơi mà ở nhà tranh thủ gói nem bán lấy tiền giúp đỡ trẻ em vùng cao khó khăn.
Hàng năm, cô Yến đều dành một khoản tiền cùng những người bạn của mình tổ chức các chuyến đi lên vùng cao, khảo sát và xây cầu, xây nhà, xây các điểm trường mầm non. Năm 2024, chị lại lên Yên Bái khảo sát và xây cầu dân sinh cho bà con dân tộc, chi phí cho mỗi cây cầu từ 300-400 triệu đồng.
Nhiều năm nay, từ khi lập quỹ từ thiện Gió đồng năm 2016, cứ vào chiều cuối năm, anh Ngô Bá Lục, quận Hai Bà Trưng, lại tới thăm và mừng tuổi các bệnh nhân ở Viện huyết học trung ương. Có năm 50 xuất, có năm 60-70, đặc biệt có năm tặng 95 xuất cho 95 cháu, số tiền có khi 500.000 đồng, có khi 1 triệu.
"Chiều 30 Tết, trong khi nhà nhà quây quần bên mâm cơm Tất niên thì những bệnh nhân nặng, trong đó có nhiều bệnh nhi vẫn dây quấn đầy người, có cháu thoi thóp, có cháu thì túc trực cấp cứu… Những lúc như thế, họ thực sự tủi thân, khi ngoài kia phố phường rực rỡ sắc xuân, nhà nhà quây quần bên mâm cơm tất niên, còn họ phải ở lại trong phòng bệnh, họ thực sự cần được chia sẻ, động viên. Thật sự, lúc ấy, không phải tôi trao quà cho các cháu, mà chính các cháu mang lại niềm vui cho tôi. Cho tôi động lực cố gắng, vì tôi tự thấy mình quá may mắn" – anh Ngô Bá Lục chia sẻ.
Truyền cảm hứng qua những chuyến đi
"Tôi là một nhà giáo dục, nên tôi muốn qua những chuyến đi của mình, tôi có thể truyền được cảm hứng, sự gắn kết, chia sẻ cho các đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh" – cô Phạm Thị Yến tâm sự. Các điểm cô đến trao quà đều là những xã vùng sâu cùng xa, nơi điều kiện kinh tế xã hội rất khó khăn. Có chuyến đi phải lội bộ hàng giờ, có chuyến đi phải chở hàng bằng thuyền, riêng chi phí thuê thuyền đã lên tới gần 20 triệu…
"Nhưng trải qua những gian nan như thế, sau này người ta có thể vượt qua được những nghịch cảnh mà mình gặp phải. Những người bạn của tôi, cả các giáo viên đồng hành cùng tôi đều rất hào hứng với những chuyến đi này. Chúng tôi tạo ra những niềm vui trên đường đi, thậm chí có người còn thấy trẻ ra vì không hiểu sao mình có sức khỏe thế? Đó là còn chưa kể những hành trình ấy còn giúp chúng tôi hiểu biết thêm nhiều điều"- cô Yến nói.
Chị cũng chia sẻ thêm những đóng góp của chị và những người bạn đồng hành là rất nhỏ bé so với nhu cầu thực tế, nhưng sức đến đâu góp đến đó. "Người dân rất vui khi chúng tôi đến tận nơi trao cho họ những món quà. Dù chỉ là năm trăm nghìn hay một triệu thì cũng rất giá trị đối với họ. Nhìn những ánh mắt, những nụ cười, tôi thực sự hiểu niềm vui ấy giá trị như thế nào" – cô Phạm Thị Yến bày tỏ.
Tự nhận mình là người may mắn, anh Ngô Bá Lục nói anh đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, yêu thương của những người xung quanh. Và điều anh muốn làm là san sẻ những yêu thương ấy. "Tôi đã được nhận từ cuộc sống rất nhiều. Và bây giờ là lúc cần chia sẻ những điều đó. Tôi mong những điều mình làm có thể lan tỏa những điều tích cực. Và cầu mong cho những mầm cây non sẽ vượt qua bão tố cuộc đời để vươn lên đón ánh mặt trời, khoẻ mạnh và an yên"- anh Ngô Bá Lục tâm sự.
Bình luận (0)